Tìm cách chống lại 'thủy thần'

GD&TĐ - Hà Nội có nhiều sông, hồ và khi hè đến thì tai nạn đuối nước luôn là mối lo của các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội.

Dù có biển cấm nhưng người dân vẫn đổ về bãi sông Hồng để bơi lội.
Dù có biển cấm nhưng người dân vẫn đổ về bãi sông Hồng để bơi lội.

Tai nạn thương tâm

Mới đây, ngày 6/5, vụ việc nữ sinh lớp 8 (SN 2009) tử vong do đuối nước tại hồ bơi trong khu đô thị phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn tại khu vực cấm bơi lội và phòng chống đuối nước.

Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 15 giờ, khi nhóm học sinh lớp 8 đi chụp ảnh và vui chơi tại khu vực hồ công viên trong khu đô thị ở phường Tây Mỗ. Trong lúc đùa nghịch, nạn nhân đã ngã xuống hồ và bị đuối nước. Được biết, hồ nước trên là hồ điều hoà cho khu đô thị xung quanh đã được cắm biển cảnh báo cấm bơi lội. Ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an quận Nam Từ Liêm) đã điều động cán bộ, phương tiện cùng bảo vệ khu đô thị tổ chức tìm kiếm nạn nhân.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ tìm kiếm, đến khoảng 17giờ 30 phút cùng ngày lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể nữ sinh cách vị trí tai nạn khoảng 15m. Theo cơ quan chức năng, hồ nước nơi xảy ra sự việc có độ sâu khoảng 5m.

Công an quận Nam Từ Liêm khuyến cáo đến phụ huynh nên có biện pháp quản lý, hướng dẫn con em mình, không nên để các con tự ý bơi lội ở những khu vực sông, hồ, vùng nước sâu. Ngoài ra, khi trẻ đi bơi tại khu vực được phép phụ huynh cần trang bị cho con kiến thức về bơi lội, ứng cứu và đặc biệt là các phương tiện, vật dụng dùng để cứu hộ trong tình huống khẩn cấp.

Trong khi đó, những ngày cuối tuần vừa qua do thời tiết oi nóng từ sáng sớm, có thời điểm ngoài trời nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, đã có nhiều phụ huynh đưa con em mình ra hồ Tây, sông Hồng “giải nhiệt”.

Dẫn hai con ra bãi sông Hồng để tắm anh Nguyễn Đình H (trú ở tòa nhà Ecohome2, phường Đông Ngạc) cho biết, bể bơi tòa nhà không đáp ứng hết nhu cầu bơi lội của cư dân. “Ngày nghỉ cho các cháu ra sông Hồng bơi bởi thời tiết quá nắng nóng”, anh H cho biết. Theo anh H, anh không lo ngại chuyện an toàn cho mình và các con bởi đã trang bị đầy đủ áo phao.

Giống như anh H, anh Phạm Ngọc N. (trú tòa nhà Ecohome3, phường Đông Ngạc) chia sẻ, bởi gần sông nên việc cho trẻ ra sông bơi đã là thói quen của những ngày hè nóng bức. Theo anh N, những ngày trời như đổ lửa, bể bơi quanh khu vực không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân nên cho trẻ tắm sông là lựa chọn khả dĩ nhất.

Không chỉ ven bờ sông Hồng, tại hồ Tây đoạn trên phố Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ) những ngày nắng nóng vừa qua cũng có rất đông người dân đến tắm vào sáng sớm, trong đó có cả trẻ em.

Nhiều học sinh bơi lội dưới sông Hồng chiều 7/5 tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Nhiều học sinh bơi lội dưới sông Hồng chiều 7/5 tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Khó xử lý dứt điểm

Liên quan đến việc người dân bơi trên sông Hồng, trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Phạm Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết, phường đã có thông báo gửi toàn thể nhân dân, tổ dân phố trên địa bàn phường cảnh báo về tình trạng đuối nước.

“Từ xưa đến nay người dân vẫn có thói quen tắm sông Hồng như vậy. Hiện chưa có cơ chế xử phạt tiền thành ra khó xử lý dứt điểm. Phường tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân không bơi, lội dưới sông Hồng, nhất là các em học sinh...”, bà Linh cho biết.

Về giải pháp lâu dài để chấm dứt tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng nhấn mạnh, phường đã giao lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tuần tra, nhắc nhở bà con nhân dân từ bỏ thói quen nguy hiểm trên.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em, học sinh được cho là cấp thiết. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, quận thường xuyên tổ chức mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Ông Thuận nhận định, dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, lo lắng về đuối nước luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. “Thời gian nghỉ hè của các em học sinh đã gần bắt đầu, nếu các em không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở rất có thể xảy ra những điều đáng tiếc. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ. Do đó, mọi người cần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước...”, ông Lê Đức Thuận lưu ý.

Theo đó, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước đến từng lớp học, học sinh. Đồng thời, phối hợp với địa phương và gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè. Bên cạnh đó, vận động phụ huynh học sinh tạo điều kiện cho các em được tham gia học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn.

“Phòng phối hợp đơn vị chức năng, các nhà trường hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi cho học sinh trên địa bàn quận, tiến tới phổ cập bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học...”, ông Lê Đức Thuận nhấn mạnh.

Chiều 7/5, tại bãi cát sông Hồng, đoạn kéo dài chừng 500m nằm giữa hai cây cầu Thăng Long và Nhật Tân (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chật kín người mang theo áo phao, can nhựa để bơi lội. Khu vực này chính quyền đã cắm biển “cấm bơi” nhưng dường như người dân không hề để ý tới sự tồn tại của những tấm biển đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ