Thiệt hại từ thiên tai dị thường
Chỉ trong một tháng gần đây, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng liên tục xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu... Gần nhất là sạt lở đất đá tại xã Mù Sang và xã Vàng Ma Chải thuộc huyện Phong Thổ (Lai Châu) khiến 15 người thương vong, hàng chục ngôi nhà vẫn trong tình trạng bị đe dọa, nhiều bản cần phải di dời khẩn cấp. Ngay tại các huyện ngoại thành Thủ đô Hà Nội như Chương Mỹ, Quốc Oai, tình trạng ngập lụt kéo dài.
Thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tổn thất kinh tế, môi trường sinh thái, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Chuyên gia Nguyễn Thị Yến, Cố vấn BĐKH và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai thuộc Tổ chức Care International Việt Nam, lo ngại: Có một vấn đề đáng quan tâm là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ.
Việc này xảy ra ở nhiều con sông trên cả nước. Tình hình này, đòi hỏi chúng ta cần phải lồng ghép phòng, chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Làm đường phải tính tới thoát nước, xây khu đô thị cũng phải tính tới thoát nước.
Điểm đáng lưu ý nữa, đó là ngân sách cho phòng, chống thiên tai tại các địa phương còn hạn hẹp nhưng nhu cầu chi cho phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai thì ngày một tăng, tương ứng với sự gia tăng tính khốc liệt về cả tần suất và mức độ của các loại hình thời tiết cực đoan.
Cấp thiết tìm giải pháp bền vững
Cán bộ Trung tâm quan trắc khí tượng thủy văn giới thiệu Trạm quan trắc thời tiết tự động cho học sinh đảo Lý Sơn. Ảnh: Hoài Linh |
Bàn về giải pháp, Phó Cục trưởng Cục BĐKH Trương Đức Trí cho hay, Dự thảo kế hoạch thích ứng quốc gia về BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Các giải pháp thích ứng BĐKH hiệu quả chính là những giải pháp phòng, chống thiên tai hữu ích như: Trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm hạn chế nước biển dâng, sóng dâng do bão, áp thấp nhiệt đới; trồng rừng đầu nguồn giảm lũ ống lũ quét.
Hạn chế thiệt hại do thiên tai, các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi nhận thức, hành động theo tầm nhìn dài hạn với cách tiếp cận quản lý giảm rủi ro thiên tai tổng hợp dựa trên nền tảng luật pháp, chính sách hoàn chỉnh, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, các công cụ tài chính tương thích và nhận thức của người dân.
Nói cách khác, các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi cách “ứng xử” với thiên tai theo hướng bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Phòng, chống thiên tai, chúng ta phải xác định rừng là số một, khôi phục ngay rừng đầu nguồn bằng việc sắp xếp lại đời sống dân cư, cần phải sơ tán, di dời người dân ra khỏi hầu hết các khu vực rừng mà hiện nay dân đang khai thác, gắn việc giao dân giữ rừng với lo sinh kế cho người dân.