Tìm đường vượt khó: Thay đổi để thích ứng

GD&TĐ - Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Nhìn ở góc độ khác, dịch bệnh là thước đo “sức khỏe” các trường trong việc thích ứng sự biến đổi. Chuyển đổi hình thức dạy học, vừa dạy học vừa chống dịch… là những điều tích cực mà Covid-19 mang lại.

Thay đổi tư duy khởi nghiệp cho sinh viên sau dịch bệnh. Ảnh: T.G
Thay đổi tư duy khởi nghiệp cho sinh viên sau dịch bệnh. Ảnh: T.G

Vượt lên hoàn cảnh

Nhà trường xây dựng mạng lưới cựu sinh viên đã thành lập doanh nghiệp. Họ sẽ là những cộng tác viên đắc lực, vừa tham gia vào quá trình đào tạo, vừa là nhà tuyển dụng sinh viên của nhà trường. TS Trương Tiến Tùng

Từ những biến động trong cuộc sống và hoạt động giảng dạy của cơ sở GD vì dịch bệnh, thầy Trần Văn Kỳ Nam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống Trường Quốc văn cơ sở TPHCM và TP Cần Thơ cho rằng: Các trường phải bồi dưỡng cho giáo viên năng lực thích ứng với những thay đổi do khách quan mang lại.

Đơn cử năm nay, dịch Covid-19 tác động đến cả hệ thống giáo dục, buộc các trường từ phổ thông cho đến đại học phải chuyển đổi sang phương thức dạy học và đào tạo từ xa (bao gồm dạy online và dạy học trên truyền hình). Như vậy, nếu giáo viên không có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin thì rất khó có thể đáp ứng với yêu cầu này.

“Thiết nghĩ, các trường cần tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng ứng phó trước biến đổi của thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các trường nên xây dựng những “hạt nhân” để làm nòng cốt.

Đội ngũ này có trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên của trường mình để cùng phát triển” – thầy Nam trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Về phía học sinh cũng cần có năng lực tự học, chủ động sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cho học tập của mình. Có như vậy, giáo viên và học sinh mới có thể gặp nhau ở những lớp học trực tuyến.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: Nếu nhìn tích cực thì thấy: Dịch Covid-19 đã giúp Trường Nguyễn Siêu nói riêng và hệ thống các trường phổ thông nói chung phân loại được những học sinh tốt, tích cực tự học; Giáo viên tốt và phụ huynh tốt. Đây cũng là dịp để giáo viên phải nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình. Trên hết là phải trang bị cho mình năng lực sư phạm mới để không bị đào thải.

Theo cô Thúy, đã đến lúc chúng ta cần bồi dưỡng cho giáo viên để họ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn luôn vận động không ngừng. Trước hết là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. “Trước đó, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên lên lớp phải có máy tính để phục vụ cho công việc giảng dạy. Nó giống như “đi cày phải có trâu” và nếu giáo viên không có máy tính để dạy học thì không khác gì “đi cày quên trâu”.

Vì thế, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, giáo viên của chúng tôi đã ứng phó rất nhanh, thích ứng ngay với phương thức dạy học trực tuyến” – cô Thúy trao đổi.

Khởi nghiệp thời hậu dịch bệnh

Tại Trường Nguyễn Siêu, chúng tôi vẫn có chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên nên các thầy cô luôn sáng tạo, năng động trong giảng dạy và có thể đáp ứng được ngay khi có sự thay đổi về phương thức dạy học.
Nguyễn Thị Minh Thúy

Thầy trò và các trường quen với nhịp sống, làm việc thời dịch bệnh. Tuy nhiên, là nhà quản lý, TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội lo lắng về hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng không tốt đến mọi mặt đời sống và sản xuất của doanh nghiệp. Kéo theo đó, thị trường lao động, việc làm sẽ bấp bênh, thậm chí sinh viên ra trường có nguy cơ đối diện với tình trạng thất nghiệp. Như phản ứng dây chuyền, điều này ít nhiều sẽ tác động đến tâm lý của người học và các trường sẽ khó tuyển sinh hơn. 

“Chúng tôi xác định, đây là bài toán đặt ra mà nhà trường sẽ phải tập trung nguồn lực để giải quyết, kể cả trước mắt và lâu dài. Chúng tôi sẽ hướng dẫn và trang bị cho sinh viên tư duy về khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho mình; Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường” - TS Hoàng Xuân Hiệp trao đổi.

Cùng lo ngại vấn đề việc làm của sinh viên ra trường trong năm nay, TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ: “Định hướng của chúng tôi là trường ĐH ứng dụng. Vì thế, nhà trường sẽ trang bị cho sinh viên tư duy khởi nghiệp và năng lực tự tạo việc làm cho mình. Chúng tôi yêu cầu tất cả giảng viên phải hun đúc cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp”.

Theo TS Trương Tiến Tùng, thực tế nhiều sinh viên đã tham gia vào mạng lưới cung cấp trực tuyến. Trong quá trình học tập trực tuyến, các em đã nhận biết được, xã hội đang dần chuyển sang giao dịch số. Nói cách khác, ngành dịch vụ online sẽ ngày càng gia tăng. Đó chính là những vấn đề gợi mở cho sinh viên khởi nghiệp. 

“Ở nhiều địa phương, ngành nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, thậm chí còn có cơ hội để phát triển. Vì thế, nếu sinh viên đã học về quản trị kinh doanh có thể xây dựng mạng lưới kết nối giữa nơi sản xuất với người tiêu dùng và bỏ qua trung gian, đó chính là đặt hàng trực tuyến” - TS Trương Tiến Tùng viện dẫn, đồng thời nhấn mạnh: Đây là xu hướng mà Trường ĐH Mở Hà Nội sẽ đào tạo cho sinh viên, để các em chủ động hơn trong tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm ở chính quê hương của mình mà không nhất thiết phải “bám trụ” Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ