Bộ GD&ĐT sẵn sàng cho Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng GD các nước ĐNÁ lần thứ 47

Bộ GD&ĐT sẵn sàng cho Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng GD các nước ĐNÁ lần thứ 47

(GD&TĐ)-Chiều nay (15/3), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã thay mặt lãnh đạo Bộ chủ trì họp báo công bố sự kiện quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2013- Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 – SEAMEC 47.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng chủ trì buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng (bên trái ảnh) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: NN

SEAMEC 47 được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19/3 đến 21/3/2013. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này (Hội nghị SEAMEC 40 đã diễn ra rất thành công tại Hà Nội vào tháng 3/2005).

Nhấn mạnh Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 là sự kiện quốc tế quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo trong năm nay, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, Hội nghị này góp phần đẩy mạnh sự hợp tác khu vực trong giáo dục - một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới và khu vực. Các nghị quyết của Hội đồng SEAMEO được thảo luận và thông qua tại mỗi kỳ Hội nghị sẽ giúp SEAMEO và các nước thành viên giải quyết các vấn đề có tính khu vực và của từng nước thành viên trong việc đổi mới và phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phát triển nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Hội nghị Hội đồng SEAMEO lần thứ 46 thông qua Chiến lược Phát triển 10 của SEAMEO (2011-2020) với 18 dự án nhằm đưa Tổ chức SEAMEO phát triển lên một tầm cao mới. Hội nghị SEAMEC 47 tại Việt Nam tới đây sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua các quyết sách và giải pháp thực hiện chiến lược này.

Hội nghị SEAMEC là diễn đàn cấp Bộ trưởng chuyên thảo luận các sáng kiến và chính sách khu vực ASEAN, đề ra phương hướng thực hiện các chương trình và dự án của SEAMEO và các đơn vị trực thuộc. 

SEAMEO là một tổ chức liên chính phủ ở khu vực Đông Nam Á, được thành lập vào ngày 30/11/1965. Từ 6 thành viên sáng lập vào năm 1965, đến năm 2011, SEAMEO đã có 11 quốc gia thành viên, chính thức trong khu vực (bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam), 7 quốc gia thành viên liên kết và 3 tổ chức thành viên liên kết. SEAMEO đã thành lập 20 Trung tâm khu vực và Mạng lưới nhằm triển khai các chương trình nghiên cứu, đào tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, khoa học và văn hóa.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO (giai đoạn 2013 – 2015), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ có nhiệm vụ triển khai sâu rộng Kế hoạch chiến lược của SEAMEO giai đoạn 2011-2020, được thông qua tại SEAMEC 46 với chủ đề “Tăng cường Vai trò và Hiệu quả của SEAMEO”. Kế hoạch chiến lược bao gồm: Kịch bản vàng, Chiến lược trọng tâm, Sứ mệnh, Tầm nhìn, Mục tiêu chiến lược, Lĩnh vực ưu tiên, Giá trị cốt lõi, Năng lực cốt lõi và Phương châm của SEAMEO. Trong đó, chiến lược SEAMEO Vàng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, quy mô SEAMEO sẽ mở rộng theo chiều hướng tăng số lượng quốc gia thành viên liên kết và tổ chức thành viên liên kết đến từ các khu vực lớn trên thế giới. SEAMEO trở thành một tổ chức quốc tế được công nhận và là đối tác chiến lược của ASEAN trong phát triển giáo dục, khoa học và văn hóa.

Đến năm 2020, cộng đồng SEAMEO năng động sẽ phát triển mạnh mẽ để đương đầu với các thách thức về kinh tế, xã hội, công nghệ và pháp luật. Uy tín của cộng đồng SEAMEO dựa trên nền tảng các tiêu chuẩn và chính sách GD hài hòa, dựa trên những thành tựu vững chắc đã đạt được từ 1965 đến nay… Lĩnh vực ưu tiên của SEAMEO trong giáo dục bao gồm: Những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21, phát triển chuyên môn cho giáo viên và cán bộ ngành giáo dục, giáo dục cho mọi đối tượng (EFA), giáo dục phục vụ phát triển bền vững (ESD), giáo dục đại học, trung cấp và dạy nghề.  Những ưu tiên trong lĩnh vực văn hóa bao gồm khảo cổ học, lịch sử, nghệ thuật và thiết kế, đa dạng văn hóa, bản sắc khu vực, bảo tồn di sản, quản lý văn hóa, các phong tục truyền thống và giá trị văn hóa. Lĩnh vực khoa học bao gồm nông nghiệp, đa dạng sinh học, công nghệ sinh học, quản lý thiên tai, thực phẩm và dinh dưỡng, tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường, y tế dự phòng, GD sức khỏe sinh sản và phát triển kỹ năng sống. 

Nội dungchính của Hội nghị SEAMEC47

1. Các hoạt động quan trọng diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị SEAMEC 47  như:

Ký kết các văn bản pháp ký của trung tâm khu vực SEAMEO về Hoc tập suốt đời (SEAMEO CELLL) bao gồm; (i) Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và SEAMEO về việc thành lập trung tâm SEAMEO CELLL và (ii) Quy chế họat động của Trung tâm; Thông qua nghị quyết và tổ chức Lễ Kết nạp Vương quốc Anh là quốc gia thành viên liên kết thứ 8 của SEAMEO; Khởi động Dự án Diễn đàn SEAMEO (SEAMEO College) do Ngân hàng ADB tài trợ; Thông qua và ký Tuyên bố SEAMEO về hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển của khu vực; Thăm 2 trường phổ thông và cao đẳng ở Hà nội của Bộ trưởng Giáo dục Brunei Darussalam, Chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng SEAMEO (19.3): .

2. Báo cáo tiến độ và kết quả các chương trình hoạt động, các dự án nhằm thực hiện nghị quyết của Hội nghị SEAMEC 46 trong 2 năm qua (2011-2013) và  các đề xuất chương trình hoạt động trong thời gian tới.

3. Diễn đàn chính sách: Với chủ đề: "học tập suốt đời-chính sách và viễn cảnh", với 6 tham luận của Việt nam, Thái lan, Viện Nghiên cứu về Học tập suôt đời của UNESCO, OECD, EU…. Diễn đàn tập trung chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước Đông Nam Á và với các nước Châu Âu  về  học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chỉ ra tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này và đưa ra các định hướng phát triển học tập suốt đời ở Đông Nam Á.

4. Cuộc họp bàn tròn các vị Bộ trưởng/trưởng đoàn: là cuộc trao đổi giữa các Bộ trưởng/trưởng đoàn các quốc gia thành viên chính thức của SEAMEO tập trung vào 2 nội dung chính: (1) xây dựng xã hội học tập ở các nước Đông Nam Á, và (2) Nỗ lực chung  các quốc gia thành viên SEAMEO góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng sẽ nêu và trao đổi những vấn đề quan tâm khác về giáo dục của các nước thành viên và khu vực.
 Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.