Tiêu chảy trong thời gian mang thai không phải là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng song cũng không nên coi thường vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bà bầu .
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở bà bầu
Ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh
Nguyên nhân đầu tiên khiến bà bầu bị tiêu chảy là do chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Nhiều mẹ bầu không biết rằng, trong 9 tháng mang bầu, hệ tiêu hóa của mình có phần yếu đi nên vẫn hồn nhiên ăn những món ăn vặt bán ngoài đường, vẫn lê la hàng quán ăn những món sống, những món “khoái khẩu” như hồi chưa mang thai .
Báo Pháp luật xã hội cho hay, những virus gây bệnh tiêu chảy lây từ thức ăn không đảm bảo vệ sinh như Rotavirus, Cyptomegalovirus.
|
Nguyên nhân phổ biến khiến bà bầu bị tiêu chảy là do chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Ảnh minh họa. |
Thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, quá hạn sử dụng
Khi uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, ăn phải những thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, lại thêm sức đề kháng không “mạnh” như bình thường thì vi khuẩn sẽ dễ dàng thâm nhập vào cơ thể, gây nên tình trạng “tào tháo đuổi”. Một số loại vi khuẩn trong thức ăn và nước bị ô nhiễm có thể gây tiêu chảy trong thời kỳ mang thai.
Các loại thuốc
Các loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc kháng axit có chứa magiê và thuốc kháng sinh cũng có thể gây tiêu chảy trong thời kỳ mang thai.
Thực phẩm có hàm lượng nước cao
Tiêu chảy trong thời kỳ mang thai có thể được gây ra bởi sự gia tăng lượng nước. Có thể là do các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao, chẳng hạn như hoa quả (dưa hấu), rau quả và uống quá nhiều nước.
Ăn một số thực phẩm gây dị ứng
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp đặc biệt, ăn uống vệ sinh nhưng thực phẩm đó lại chứa một số chất không phù hợp với thể trạng và sức hấp thu của cơ thể, ví dụ như một số thai phụ dị ứng với sữa tươi, cũng sẽ bị xảy ra tình trạng bị tiêu chảy .
Mức độ nguy hiểm
|
Tiêu chảy ở bà bầu thường bị nặng hơn những người bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ trên báo Khám phá, bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ – Hiện công tác tại phòng khám Sản Phụ khoa Song Hà), với phụ nữ đang mang thai khi mắc tiêu chảy thường bị nặng hơn những người bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Bị tiêu chảy không chỉ gây nguy hại đối với cơ thể mẹ, mà vấn đề này ảnh hưởng đến thai nhi như có thể làm bé bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn có thể làm thai chết ngay trong bụng mẹ.
Khi bà bầu bị tiêu chảy, số lần đi đại tiện và nôn mửa nhiều khiến cơ thể kiệt nước, suy sụp rất nhanh. Thai phụ thường có triệu chứng lâm râm đau bụng vùng quanh rốn, đôi khi cũng có thể bị đau dữ dội và trong mỗi cơn đau lại đi ngoài phân lỏng liên tục. Cùng với tình trạng đi tiêu nhiều lượt, người bệnh có thể bị nôn mửa. Đặc biệt, khi tiêu chảy do vi khuẩn tả, số lần đi tiêu và nôn mửa rất nhiều khiến cơ thể kiệt nước, suy sụp rất nhanh.
Do vậy, bác sĩ nhấn mạnh rằng chị em bầu không nên coi thường tiêu chảy, cần đi khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian để sớm khỏi bệnh.
Phòng bệnh bằng cách nào?
- Để phòng bệnh, bà bầu cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, luôn thực hiện “ăn chín, uống nước đun sôi. Thực phẩm chế biến xong cần được ăn ngay, không để lưu sang ngày khác. Dù có đun nấu lại các thức ăn này để diệt vi khuẩn, nhưng vẫn có thể tồn tại các chất độc (độc tố) của vi khuẩn tiết ra trong thức ăn nên vẫn gây bệnh được.
|
Bánh mì là thực phẩm tốt cho bà bầu. Ảnh minh họa. |
- Bạn có thể ăn uống các loại thực phẩm an toàn với hệ tiêu hóa như bánh mì nướng, nước sốt táo, gạo, khoai tây nghiền (không có phụ gia), bánh quy, mì (không có phụ gia); chuối, carrot nấu chín, bí nấu chín, cháo và bột yến mạch. Chớ quên cơ thể bạn cũng cần được cung cấp một lượng vitamin và khoáng chất nhất định.
- Chú ý không ăn uống ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh. Không ăn rau sống chưa được rửa sạch, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi hay thịt tái… Không ăn các loại thức ăn bị ẩm, mốc, bốc mùi chua, thiu… hay nhóm thực phẩm giàu gia vị hay ẩn chứa lượng chất béo vượt ngưỡng cho phép.Tránh uống sô-đa và nước ngọt. Không sử dụng các loại hoa quả dập nát, các loại hạt đã bị biến màu.
Lưu ý: Khi bị tiêu chảy, bà bầu tuyệt đối không coi thường, cần đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian cho nhanh khỏi bệnh.
Không nên tự mình mua thuốc uống hoặc dùng thuốc do mách bảo của những người không có chuyên môn vì nhiều loại thuốc điều trị tiêu chảy có thể gây hại cho thai nhi.
MẠC NHIÊN (Tổng hợp)
Xem thêm video: