Tiết lộ mới bất ngờ về nơi sống của “người ngoài hành tinh”

GD&TĐ - Người ngoài hành tinh có thể từng tồn tại ở một nơi khá gần Trái Đất, theo các nhà khoa học.

Tiết lộ mới bất ngờ về nơi sống của “người ngoài hành tinh”

Mặt Trăng có thể từng là nơi sống của người ngoài hành tinh, theo một nghiên cứu vừa được công bố.

Sự sống ngoài Trái Đất có thể từng tồn tại trên Mặt Trăng sau một vụ nổ thiên thạch, tờ Independent trích lời các nhà khoa học.

Đây là thông tin được đưa ra bởi hai nhà nghiên cứu hành tinh cao cấp, những người phát hiện ra Mặt Trăng có thể có điều kiện để hỗ trợ sự sống đơn giản khoảng 4 tỷ năm trước. Các điều kiện này có được là vì hoạt động núi lửa mạnh mẽ khoảng 3,5 tỷ năm trước, theo các nhà nghiên cứu.

Trong khoảng thời gian đó, Mặt Trăng phun ra lượng lớn khí nóng, bao gồm cả hơi nước. Những loại khí này có thể giúp hình thành nước ở dạng lỏng trên bề mặt cũng như tạo ra một bầu khí quyền trên Mặt Trăng để giữ nước ở đó.

“Nếu nước ở dạng lỏng và không khí từng hiện diện trên Mặt Trăng trong thời gian dài, chúng tôi nghĩ bề mặt Mặt Trăng ít nhất là có thể sinh sống được”, Dirk Schulze-Makuch, nhà sinh vật học vũ trụ tại Đại học bang Washington nước Mỹ, cho biết.

Ông Dirk đang nghiên cứu về chủ đề này cùng Ian Crawford, giáo sư về khoa học hành tinh và sinh vật học vũ trụ tại Đại học London, nước Anh.

 Sự sống ngoài Trái Đất có thể từng tồn tại trên Mặt Trăng sau một vụ nổ thiên thạch.

Sự sống ngoài Trái Đất có thể từng tồn tại trên Mặt Trăng sau một vụ nổ thiên thạch.

Mặt Trăng cũng được cho là từng được bao bọc bởi từ trường, điều giúp bảo vệ sự sống trước những dòng gió Mặt Trời chết chóc.

Bằng chứng đầu tiên về sự sống trên Trái đất xuất hiện vào khoảng 3,5 đến 3,8 tỷ năm trước, dưới dạng vi khuẩn lam. Trong thời gian đó, hệ Mặt Trời là một nơi hỗn loạn với hoạt động va chạm thường xuyên của thiên thạch. Một trong những hoạt động đó có thể đã mang sự sống đến Mặt Trăng, các nhà nghiên cứu viết.

"Có vẻ như sự sống từng tồn tại trên Mặt Trăng vào thời điểm đó", ông Schulze-Makuch nói. “Có thể có vi khuẩn phát triển mạnh trong các hồ nước trên Mặt Trăng cho đến khi bề mặt trở nên khô và chết”.

Các nhà nghiên cứu hy vọng nghiên cứu này sẽ thúc đẩy NASA và các cơ quan không gian khác thăm dò Mặt Trăng trong tương lai.

Các chương trình thăm dò có thể kiểm tra những gì còn lại trên Mặt Trăng để xem chúng có dấu hiệu của sự sống không. Hoặc các cơ quan vũ trụ có thể mô phỏng điều kiện của Mặt Trăng vào thời điểm 4 tỷ năm trước trên Trái Đất hoặc Trạm vũ trụ Quốc tế để xem sự sống có thể tồn tại hay không.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.