Mới đây, Bộ Công thương, qua theo dõi thị trường Trung Quốc, đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý về tình hình sản xuất, tiêu thụ và thị hiếu tiêu dùng dưa hấu tại thị trường Trung Quốc.
Theo đó, từ cuối năm 2016, các hộ nông dân Trung Quốc có xu hướng trồng dưa trái vụ và đồng loạt xuống giống với diện tích lớn, nhằm vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán khiến lượng cung ra thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Do nguồn cung nội địa tăng mạnh, giá dưa hấu tại thị trường Trung Quốc đã giảm sâu vào tháng 01/2017 và sau tháng 02/2017.
Dưa hấu Việt quả to nên không được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Báo An Giang
Bên cạnh đó, một lượng nhất định dưa hấu nhập khẩu từ Lào và Mi-an-ma qua các cửa khẩu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh với dưa hấu của Việt Nam do có giá rẻ hơn và trùng với thời điểm thu hoạch dưa hấu tại miền Nam Việt Nam.
Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 03 - 04kg/quả (dưa hấu Việt Nam thường có trọng lượng cao hơn) cũng là một trong những lý do thương lái Trung Quốc từ chối mua dưa hấu Việt.
Cũng theo Bộ Công thương, sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc tăng đều qua các năm gần đây (từ 72 triệu tấn năm 2013 lên 77,5 triệu tấn năm 2016). Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng khoảng 1% (khoảng 2,2 triệu ha) diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới trong giai đoạn 2015 - 2020.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2017, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, năm nay toàn tỉnh có khoảng 700 hecta dưa hấu, tập trung vào các huyện xã Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Quảng Ngãi, Đức Phổ, Tư nghĩa…
Với năng suất khoảng 2,5 đến 3 tấn/sào, ước tính sản lượng dưa thu hoạch trong vụ đầu năm nay sẽ đạt khoảng 24.000 tấn.
Tuy nhiên, thời điểm đó, hàng trăm hecta dưa hấu đã bắt đầu chín nhưng do không có người mua, nên giá dưa rớt mạnh, nhiều hộ nông dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Mộ Đức, Đức Phổ... phải bỏ dưa ngoài đồng, chưa thu hoạch hoặc sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò ăn thay cỏ.
Nguyên nhân được cho là do Trung Quốc hạn chế nhập, trong khi người dân đua nhau mở rộng diện tích, tăng đàn khiến dưa hấu “vỡ trận”.
Tại nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam sau đó đã xuất hiện nhiều điểm “giải cứu” dưa hấu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc “giải cứu” chỉ là biện pháp tạm thời, và cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ hơn