Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf và Hoàng tử Arabia Saudi Abdullah bin Abdul Aziz vào tháng 9/2003 đã để lại nhiều dấu hỏi |
(GD&TĐ) - Những ngày gần đây, Arabia bỗng nhiên trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới. Sau khi khước từ ghế Hội đồng Bảo an không thường trực của LHQ, Arabia Saudi bất ngờ đề nghị phải có đại diện của thế giới Ả Rập trong số thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Chưa hết, theo điều tra của phóng viên BBC Mark Urban, Arabia Saudi đã tài trợ cho chương trình hạt nhân của Pakistan, đổi lại, họ nhận được những quả bom nguyên tử từ Islamabad. Đây được coi là tiết lộ động trời, nó vén bức màn bí mật của cuộc chạy đua hạt nhân sôi động ở Trung Đông.
Từ tin đồn đến…sự thật?
Những tin đồn về thỏa thuận trong “cuộc chơi hạt nhân” giữa Riyadh và Islamabad đã có từ lâu. Tuy nhiên, giới phân tích đặt câu hỏi rằng, tại sao vào lúc này thông tin ấy mới được “xới” lên trên các mặt báo?
Trong quá trình điều tra, tác giả Mark Urban đã có dịp trao đổi với nhiều nguồn khác nhau ở các cơ quan đặc nhiệm NATO và Pakistan. “Pakistan chắc chắn có một số lượng đầu đạn hạt nhân nhất định sẵn sàng chuyển giao cho Arabia Saudi, nếu được yêu cầu”- Một trong số nguồn tin khẳng định.
Nguồn tin thứ hai (một quan chức an ninh cấp cao Pakistan) hỏi lại Mark Urban: “Bạn nghĩ gì về Arabia Saudi? Chả lẽ họ cung cấp tiền cho chúng tôi với mục đích… từ thiện?”. Mark Urban cũng trích dẫn lời phát biểu của cựu lãnh đạo tình báo quân sự Israel (AMAN) Yamos Yadlin - người từng tuyên bố trong một cuộc hội thảo ở Thụy Điển vào tháng 10 vừa qua rằng: “Nếu Iran chế tạo bom hạt nhân, Arabia Saudi không cần phải chờ đợi 1 tháng.
Họ đã trả tiền và đơn giản là đến Pakistan để nhận lấy cái cần nhận”. Ngoài ra, từ năm 2009, Vương quốc Arabia Saudi không ít lần gửi tín hiệu đến Mỹ rằng trong trường hợp Tehran “vượt quá giới hạn”, Riyadh có thể nhận được vũ khí hạt nhân.
Ngày 8/11, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Pakistan Chaudhry Ahmad Aizaz gọi báo cáo của Urban là “suy đoán và không có cơ sở”. “Pakistan là cường quốc hạt nhân có trách nhiệm với tổ chức chỉ huy, ra lệnh rõ ràng, tin tưởng và kiểm soát toàn diện, chặt chẽ việc xuất khẩu. Pakistan ủng hộ mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân”.
Tuy nhiên, tin đồn về hợp tác giữa hai nước trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhà khoa học Pakistan và là cha đẻ của bom hạt nhân Pakistan Abdul Qadeer Khan đã bị tình báo phương Tây cáo buộc bán máy li tâm để làm giàu uranium cho Lybia và Bắc Triều Tiên.
Còn với Arabia Saudi, năm 2003, báo chí đã loan tin Hoàng tử nước này là Abdullah đã có cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan khi đó là Pervez Musharaff. Sau khi Mỹ tấn công Iraq, Arabia Saudi tỏ thái độ bất mãn với hành động giết chết Saddam Hussein và chính sách của Washington với Israel.
Vì sao Arabia Saudi cần vũ khí hạt nhân?
Năm 2007, Đại sứ Mỹ tại Riyadh yêu cầu Arabia Saudi giải thích về “hợp tác Arabia Saudi - Pakistan về hạt nhân”. Tuy nhiên, đỉnh cao của sự suy thoái trong quan hệ Mỹ - Arabia Saudi mới xuất hiện gần đây, khi Riyadh cảm thấy thất vọng về “thái độ bạc nhược” với Syria và việc “o bế” lãnh đạo Iran của Washington.
Tháng trước, Hoàng tử Bandar bin Sultan - Giám đốc Cơ quan An ninh Arabia Saudi và là cựu Đại sứ của nước này tại Washington tuyên bố rằng Arabia Saudi sẽ “ngày càng xa các đồng minh”.
Trong bối cảnh ấy, các phương tiện truyền thông “bật mí” rằng Arabia Saudi sẽ bù đắp cho Pakistan (nước đang có quan hệ trục trặc với Mỹ) bằng đúng viện trợ quân sự của Mỹ cho Islamabad hoặc một khoản vay ở Ngân hàng Thế giới nếu Islamabad yêu cầu.
“Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng nó có những tình tiết mới rằng dường như Arabia Saudi có thể nhận được bom hạt nhân theo yêu cầu và dường như bom đã sẵn sàng lên đường” - Mark Fitzpatrick - chuyên gia về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế nói với The Guardian. Mark Fitzpatrick cho rằng: “Phần đầu có lẽ đúng: Arabia Saudi đã giúp chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan và được hứa hẹn rằng sẽ được sử dụng để phòng vệ.
Tuy nhiên, phần thứ hai có lẽ sai”. Cũng theo lời Mark Fitzpatrick thì danh tiếng của Pakistan đã bị tổn thất khá nhiều (vụ Khan), trong khi Arabia Saudi không quá cần một quả bom hạt nhân vào thời điểm này và việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran có thể bằng con đường đàm phán. Mark Fitzpatrick cho rằng, toàn bộ những thông tin trên thể hiện việc “làm mình làm mẩy” của Arabia Saudi với Mỹ mà thôi.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích phản bác lại lập luận của Mark Fitzpatrick. Sergei Demidenko - chuyên gia của Viện nghiên cứu và đánh giá chiến lược (Nga) cho rằng, thông tin về việc Arabia Saudi hợp tác với Pakistan để sản xuất bom hạt nhân là hoàn toàn có thể tin được. Theo Demidenko thì Arabia Saudi đã có ý tưởng sản xuất vũ khí hạt nhân từ những năm 1990.
Tuy nhiên, khi đó họ phải từ bỏ ý tưởng này vì không được Mỹ ủng hộ. Giờ đây, Arabia Saudi là một quốc gia hoàn toàn độc lập với Mỹ (nhất là sau chuyến công du Cairo của Ngoại trưởng John Kerry vừa rồi), khát vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của họ là hoàn toàn có thể thành hiện thực. Washington ít có khả năng gây áp lực với Riyadh trong chuyện này.
Sau khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein và Muammar Gaddafi, khát vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của các nhà cầm quyền ở Trung Đông mạnh hơn bao giờ hết. Arabia Saudi đang khẳng định vai trò thủ lĩnh ở Trung Đông và vị thế độc lập của họ trong “vòng quay” của Mỹ ở khu vực, chính vì vậy, việc sở hữu vũ khí hạt nhân với họ càng sớm càng tốt.
Anh Phương