Tiết học thú vị của cô giáo 'thường xuyên'

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Nga (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạch Hà) là 1 trong 3 giáo viên của Hà Tĩnh được vinh danh Giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Tiết học Vật lý của cô giáo Nga luôn nhận được sự đón chờ của học sinh.
Tiết học Vật lý của cô giáo Nga luôn nhận được sự đón chờ của học sinh.

Hơn 10 năm gắn bó với công tác GDTX, cô giáo Nguyễn Thị Nga, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) luôn tự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, giúp học sinh yêu thích môn Vật lý. Cô Nga cũng là 1 trong 3 giáo viên của Hà Tĩnh được vinh danh Giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Đưa STEM đến với học sinh

Buổi chiếu phim mini của lớp 11B, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Thạch Hà được thực hiện ngay tại lớp học. Chỉ với 1 hộp giấy, kính lúp, bình sơn đen và băng keo, các nhóm trong lớp đã cho ra đời những máy chiếu phim mini vui nhộn. Màn hình là chiếc bảng học, dù không quá lớn nhưng đủ để cô trò có một buổi xem phim đầy vui vẻ và thú vị.

Cầm trên tay sản phẩm của mình, em Mai Anh Dũng vui vẻ khoe: “Chiếc máy chiếu phim mini của nhóm em vừa được chọn là mô hình tốt nhất của cả lớp. Sau khi hoàn thành bọn em đã dùng điện thoại bỏ trong hộp và phản chiếu hình ảnh lên bảng.

Dù chưa thật nét nhưng cô trò đều có thể xem trọn vẹn nội dung đoạn phim. Mỗi bạn trong nhóm đều được cộng thêm 2 điểm vào bài kiểm tra lần tới. Những sản phẩm này là kết quả mày mò của các bạn học sinh dưới sự hướng dẫn của cô Nga”.

Hơn 10 năm gắn bó với công tác GDTX, cô Nguyễn Thị Nga cũng không đếm hết những sản phẩm STEM đã được áp dụng hướng dẫn cho học sinh sau mỗi bài dạy như vậy. Đó cũng là bí kíp giúp cô “kéo” học sinh đến gần với bộ môn Vật lý – vốn mặc định là khô khan và nặng nề.

Theo cô Nga, Vật lý là môn khoa học gắn với thực tiễn đời sống, liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, nhiều học sinh không mặn mà nhất là học sinh GDTX. Cùng với đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào hệ GDTX còn gặp nhiều khó khăn, năng lực học tập của học viên đang còn yếu, nhất là các bộ môn Khoa học tự nhiên.

Năm 2018, nhận thấy STEM là phương pháp giáo dục tích cực, cô Nga đã bắt đầu tìm hiểu và ngay lập tức say mê với phương pháp giáo dục mới mẻ này. Cô tích cực tham gia các khóa đào tạo về STEM do trường và Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức, các nhóm sinh hoạt trên mạng xã hội để tích lũy phương pháp.

“Giá trị của giáo dục STEM mang lại không chỉ nằm ở sản phẩm học sinh tạo ra mà qua đó các em còn được rèn luyện thêm nhiều bài học và kỹ năng như: Vận dụng kiến thức đã học để tạo ra sản phẩm, kỹ năng làm bài tập nhóm, khả năng thuyết trình, sáng tạo, thiết kế…”, cô Nga cho hay.

Nhằm giúp các em tiếp nhận kiến thức thật tự nhiên và sinh động, những tiết học được cô Nga khéo léo chuyển thành những buổi thực hành gần gũi, thực tế. Khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng thực hành bộ môn được cô Nga tận dụng tối đa công năng để học sinh có nhiều thời gian trực tiếp trải nghiệm, dưới sự hỗ trợ tận tâm của cô giáo.

Kiêm nhiệm thêm công tác Phó Bí thư Đoàn trường, nữ giáo viên sinh năm 1990 này còn tổ chức nhiều ngày hội STEM thu hút được sự quan tâm của học sinh như: Tên lửa nước chinh phục tầm xa; Cuộc đua kỳ thú thi thiết kế xe đua phản lực bóng bay… Sau mỗi ngày hội, Đoàn trường còn có nhiều phần quà để khuyến khích các học sinh.

Không chỉ truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò yêu thích bộ môn Vật lý, những năm qua, cô Nga còn trực tiếp hướng dẫn các đề tài Sáng tạo Khoa học kỹ thuật. Năm 2022, với sản phẩm xà phòng Ngọc An, Trung tâm GDNN-GDTX Thạch Hà đã đạt giải Ba trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Những sản phẩm STEM của cô và trò.

Những sản phẩm STEM của cô và trò.

Cô giáo của những lớp “cá biệt”

Năm 2012, tốt nghiệp Khoa Sư phạm Vật lý, Trường ĐH Hà Tĩnh, cô giáo Nguyễn Thị Nga được phân công làm giáo viên dạy Vật lý tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạch Hà. Không chỉ là giáo viên bộ môn, cô Nga còn được trung tâm tin tưởng giao công tác chủ nhiệm những lớp “cá biệt”.

Thuở vào nghề là thời điểm khó khăn nhất của nữ giáo viên trẻ. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô giáo Nga không khỏi xúc động. “Dạy học sinh bình thường đã vất vả, các thầy, cô giáo ở trung tâm GDTX càng lao tâm khổ trí hơn bội phần. Phải mất hơn 3 năm tôi mới bắt nhịp được với môi trường dạy”, cô Nga chia sẻ.

Ở môi trường GDTX, học sinh thuộc nhiều độ tuổi, hoàn cảnh gia đình khác nhau và bước vào trung tâm đa số có hoàn cảnh khó khăn, tự ti, mặc cảm trước định kiến “học lực yếu, cá biệt” nên luôn có tư tưởng “học cho xong”. Những ngày đầu, không ít lần cô giáo Nga phải bật khóc trước lớp vì thái độ ngỗ nghịch, thách thức của học sinh. Tuy nhiên, hơn 10 năm công tác, cô Nga chưa bao giờ có ý định từ bỏ học trò của mình.

Nhắc đến những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cô giáo Nga vẫn nhớ như in cậu học trò H.V.M (sinh năm 2002). M là trường hợp đặc biệt, chỉ trong năm lớp 10, em đã phải 5 lần lên công an xã vì gây gổ đánh nhau bên ngoài. Nhưng mỗi lần như vậy bên cạnh M luôn có sự đồng hành của cô giáo chủ nhiệm. Từ sự mềm mỏng và quan tâm luôn đồng hành của cô giáo, lên lớp 11, M dần tiến bộ hơn. Có những tâm sự, M đều tìm đến cô để giãi bày.

Hay trường hợp em N.V.A (sinh năm 2002) luôn nghỉ học, thậm chí A còn dùng cỏ dẫn đến sốc thuốc. Qua tìm hiểu, cô Nga biết được bố em thường xuyên say rượu, đánh mắng khiến em thiếu hụt sự yêu thương của gia đình. Không có chỗ dựa từ người thân, từ cấp 2, A đã tự mặc định cho bản thân là học sinh “cá biệt”, thường xuyên giao du với bạn bè xấu bên ngoài, ít tiếp xúc với lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga.

Nắm bắt tâm lý học sinh, những lúc ra chơi, cô Nga thường tìm đến trò chuyện với A. Không dừng lại đó, cô còn đến nhà động viên A và bố mẹ. Nhiều lần cô đến nhà A còn chạy đi trốn.

Nhưng cô không hề nản, 1 tháng rồi 2 tháng và đến hết học kỳ I, A mới dần mở lòng hơn với cô giáo chủ nhiệm và tự thay đổi bản thân. Hiện nay, A đã ra trường, bản thân em đang làm việc với mức lương mơ ước của nhiều bạn trẻ. Mỗi khi có thời gian rảnh, cậu học trò vẫn liên lạc về cô giáo cũ để trò chuyện và chia sẻ.

“Tôi không xem các em là học sinh cá biệt, mà xem đó là cá tính của mỗi học sinh. Có những học sinh cá tính đặc biệt, giáo viên phải biết kết hợp cương, nhu, vừa là chỗ dựa về tinh thần, một mình đóng nhiều vai để định hướng đúng đắn cho các em. Dù bất cứ môi trường giáo dục nào, thì tình yêu thương và tận tụy tôi tin rằng các em sẽ có sự chuyển hóa”, cô Nga đúc kết.

Bên cạnh sự mềm mỏng, cô cũng áp dụng các hình thức xử phạt, trách mắng một cách tế nhị, bởi nếu không khéo léo khiến các em không hợp tác và trơ lì. “Đối với những vi phạm của học sinh, tôi sẽ gặp riêng các em để trao đổi, tránh mắng mỏ các em nơi đông người. Đặc biệt, không để nóng giận buông lời xúc phạm các em bởi ở độ tuổi này rất nhạy cảm, dễ tự ái”, cô Nga nói.

Nhờ sự quan tâm giúp đỡ tận tình của cô giáo Nga, nhiều học sinh đã vượt qua khó khăn, vươn lên học giỏi và thành công trong cuộc sống. Các em luôn coi cô là người mẹ thứ 2 của mình.

Với lòng yêu nghề, sự cống hiến không biết mệt mỏi, cô giáo Nguyễn Thị Nga đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy như giải Nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cấp tỉnh năm học 2022 - 2023; giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT vì có thành tích trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2022 - 2023…

Mới đây, cô Nguyễn Thị Nga đã trở thành 1 trong 3 giáo viên Hà Tĩnh được vinh danh “Giáo viên tiêu biểu toàn quốc” năm học 2022 - 2023 do Bộ GD&ĐT trao tặng.

Cô Nguyễn Thị Nga có năng lực chuyên môn vững vàng, có nhiều sáng tạo trong dạy học. Với cách làm này, cô Nga đã thổi một luồng gió mới vào trong giáo dục của trung tâm, tạo động lực cho các giáo viên khác cùng hăng say với đổi mới giáo dục, tạo hứng khởi cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh.

Cô còn đảm nhận nhiều vai trò như Phó Bí thư Đoàn trường, làm chủ nhiệm các câu lạc bộ… ở vai trò nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Danh hiệu “Giáo viên tiêu biểu toàn quốc” hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của cô Nga. Ông Lê Anh Đức (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạch Hà)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.