Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học vùng khó tỉnh Ninh Thuận

GD&TĐ - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại tỉnh Ninh Thuận sáng nay (29/7).

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Ninh Thuận có các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, Ban ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố.

Báo cáo khái quát về công tác GD&ĐT của Ninh Thuận trong năm học 2014 - 2015, Phó Chủ tịch UBND Lê Văn Bình cho biết:

Ngành GD&ĐT Ninh Thuận đã hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung công tác, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Chỉ thị của Bộ GD&ĐT đề ra.

Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học ngày càng tăng; cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư có trọng điểm, không còn tình trạng học ca 3. Mạng lưới trường lớp đã phủ khắp trên địa bàn tỉnh. 100% xã, phường có trường mầm non và trường tiểu học; 90% số xã, phường, thị trấn có trường THCS. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tiến bộ so với năm học trước…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ngành GD&ĐT tỉnh là cơ sở vật chất còn thiếu, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là phục vụ cho công tác giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi theo lộ trình;

Tình hình học sinh bỏ học tuy đã giảm nhưng so với cả nước vẫn còn khá cao; chất lượng giáo dục vùng miền núi còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ học sinh yếu còn cao; tình trạng nghỉ học cách nhật vẫn xảy ra, nhất là ở học sinh dân tộc cấp THCS…

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị: Bộ GD&ĐT sớm xem xét phê duyệt đầu tư trong năm 2016 cho Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh thuận; phê duyệt hỗ trợ từ vốn của Dự án THPT (giai đoạn 2) thêm cho tỉnh 2 trường THPT; cho phép tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên;

Tiếp tục duy trì 4 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia GD-ĐT để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật trường học; thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Đề án ngoại ngữ; chống xuống cấp cơ sở vật chất các trường Phổ thông dân tộc nội trú, bán nội trú, Đề án trường THPT Chuyên, trường Cao đẳng sư phạm…

Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh cảm ơn sự quan tâm của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các trường ĐH đối với tỉnh. Lãnh đạo các trường ĐH đi cùng Đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã cam kết hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận về đào tạo nguồn nhân lực sau đại học, miễn giảm học phí cho các sinh viên nghèo; xây dựng nhà công vụ và cơ sở vật chất tại các trường khó khăn..

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của tỉnh Ninh Thuận về GD&ĐT.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ sẽ quan tâm, xem xét và giải quyết, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất tại các khu vực còn đang gặp khó khăn.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh và các trường ĐH có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới; các trường cần quan tâm, hỗ trợ cho sinh viên của Ninh Thuận, trong đó ưu tiên đào tạo những ngành nghề mà tỉnh đang còn thiếu, như: Thủy sản, Du lịch, Ngoại ngữ, nhân lực phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai…

Bộ trưởng mong muốn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm đến sự nghiệp GD&ĐT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm là động lực để thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.