Đáng chú ý trong đoàn kiểm tra này còn có cán bộ của Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an cùng tham gia làm việc và khảo sát thực tế những nơi cá chết.
Chưa rõ nguyên nhân cá chết
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh báo cáo, từ ngày 15 - 18/4/2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng cá biển trong môi trường tự nhiên và cá nuôi lồng (chủ yếu cá giò, cá vẩu) ở khu vực cửa biển Lăng Cô, Lạch Giang chết hàng loạt.
Một số vùng nuôi tôm chân trắng cũng bị ảnh hưởng do lấy nước biển tràn vào cho ao nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại hiện trường, lấy mẫu nước phân tích môi trường. Các chỉ tiêu phục vụ nuôi trồng thủy sản như S0/00, PH, PO4, NH3, H2S, Oxy để tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý kịp thời.
Cá chết phổ biến là cá đuối, cá ong căn, nhồng măng, nhói xanh… Cá lồng nuôi chết là cá giò, cá vẩu…
Theo quan sát của người dân địa phương, chỉ khi có hiện tượng thủy triều dâng thì cá mới chết. Có 11 hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại ước tính trên 5.100 con cá giò và khoảng 800 con cá vẩu.
Lượng cá chết dạt vào bờ thôn Phú Hải chưa được dân thu gom hết |
Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, hàng loạt câu hỏi được đoàn kiểm tra đặt ra, như: Đề nghị cung cấp các chứng cứ như hình ảnh về cá chết, xin mẫu cá chết nhưng vẫn còn tươi để đưa về xét nghiệm, ước tính sản lượng cá chết, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản của địa phương này trong thời gian hiện nay. Cá nuôi chết trước hay cá tự nhiên chết trước, diễn biến bệnh như thế nào? Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế có bóc tách được nguyên nhân chết giữa cá nuôi và cá biển tự nhiên hay không...
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh - thông tin: Đơn vị đã lấy một số mẫu nước cách bờ biển 1-2 hải lý gửi xét nghiệm; vì có sự xuất hiện của một số kim loại nặng nên cần có thời gian xét nghiệm thật kỹ mới có kết luận. Qua kiểm tra, nguồn nước, môi trường trên biển, bước đầu chưa phát hiện có hiện tượng gì bất thường gây cá chết.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phương Dung - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản- Bộ NNPT-NT) - yêu cầu đánh giá mức độ, số lượng cá chết cụ thể; khu vực, địa phương nào bị nặng, nơi nào chỉ chết rải rác; tiếp tục lấy mẫu nước, cá chết để xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết một cách chính xác.
Chợ cá ở thôn Bình An xã Lộc Vĩnh vắng hoe |
Ngư dân lo lắng vì không biết bán cá cho ai
Trong lúc chờ đợi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế lấy mẫu để khảo sát một số các điểm nguồn thải, lấy mẫu nước mặt, lấy mẫu cá để tìm hiểu nguyên nhân do đâu cá chết thì ngư dân cùng bà con tiểu thương ở các tỉnh miền Trung lại vô cùng lo lắng.
Khảo sát tại các chợ cá lớn trên địa bàn Phú Lộc và các huyện ven biển khác, mức tiêu thụ cá biển đã giảm sút một cách kỷ lục, các tiểu thương buôn bán cá tại các chợ này chỉ bày cá ra và ngồi nhìn nhau, rất ít ai đến hỏi mua. Dù đã thuyết phục, giảm giá và đảm bảo về chất lượng nhưng người dân cũng không dám mua.
Tiểu thương đang khóc ra nước mắt vì cá nhập về bán không được, ngư dân thì không muốn ra biển. Mặc cho ngư dân có khí thế hừng hực chở đầy khoang cá sau mỗi lần đánh bắt từ biển trở về thì đến khi vào bờ để bán cũng chẳng có ai mua. Vì cứ bị "nghi" là cá chết, cá nhiễm độc.
Ngư dân xã Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc trước nguy cơ bỏ biển vì cá đánh bắt vào bán không ai mua |
Trước đó vào chiều 21/4 đoàn kiểm tra của Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tiếp cận những vùng đã và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường làm cá chết tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đoàn đã đến nhiều địa điểm ven biển từ bắc vào nam để lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích. Đặc biệt tại vùng biển Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), đoàn đã tiếp cận và lấy mẫu nước, trầm tích tại nhiều điểm trên đầm Lăng Cô, cửa biển và ngoài khơi của biển Lăng Cô.
Ông Trần Quang Thư - Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường biển, Trưởng đoàn công tác - cho hay sau khi có kết quả đoàn sẽ báo cáo Bộ NN-PTNT cũng như thông báo các địa phương liên quan để có hướng xử lý.
Quan trắc môi trường biển lấy mẫu nước xét nghiệp tại vùng biển huyện Phú Lộc |
Trong khi nguyên nhân cá chết bất thường chưa tìm ra nguyên nhân thì hôm qua, lãnh đạo xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trên vùng biển của địa phương cũng đã xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết nổi trên biển hoặc lừ đừ bơi gần bờ.
Như vậy Vinh Hiền là địa phương thứ 3 ở phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế ghi nhận cá biển chết bất thường, sau Lăng Cô và Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.