Tiếp tục làm tốt hơn sứ mệnh Kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Trước dư luận cho rằng, Kỳ thi THPT QG 2019 sẽ chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp nên trường ĐH khó khăn khi sử dụng kết quả để xét tuyển, từ đó có thể có những đổi mới trong công tác tuyển sinh ĐH-CĐ, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - đã có cuộc trao đổi với PV Báo GD&TĐ, làm rõ thêm về vấn đề này.  

Kỳ thi THPT quốc gia không còn là áp lực với thí sinh và xã hội và kết quả của kỳ thi hoàn toàn đáng tin cậy
Kỳ thi THPT quốc gia không còn là áp lực với thí sinh và xã hội và kết quả của kỳ thi hoàn toàn đáng tin cậy

Sứ mệnh kỳ thi luôn được xác định rõ

Hiện nay, dư luận đang xôn xao thông tin vẫn duy trì Kỳ thi THPT QG nhưng chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT. Cũng có ý kiến cho rằng, một số tiêu cực xảy ra là do chúng ta chưa xác định đúng mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH-CĐ. Ông có thể làm rõ những băn khoăn này?

Đúng là cần phân tích kỹ lưỡng để hiểu rõ bản chất, sứ mệnh của Kỳ thi THPT QG. Chúng ta phải bắt đầu từ quy định của Luật Giáo dục, quy định rằng kết thúc 12 năm học tập, nếu HS đủ điều kiện thì phải dự một kỳ thi để lấy kết quả xét, công nhận tốt nghiệp THPT. Điều 34 Luật Giáo dục ĐH quy định các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh với các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa các hình thức này.

Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì đặt yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ định hướng đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ “tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”. Nên chúng ta phải khẳng định, việc tổ chức kỳ thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT là cần thiết, đúng luật.

Cần phải tổ chức một kỳ thi nhằm mục đích đánh giá thành quả học tập của HS sau 12 năm học tập, đây chính là sứ mệnh của Kỳ thi THPT QG. Tất nhiên, đánh giá ở mức độ học vấn phổ thông, nhưng đề thi phải đánh giá chính xác kết quả học tập và phân hóa được kết quả học tập của HS. Như vậy, Kỳ thi THPT QG không phải ghép khô khan 2 kỳ thi; cách nói “2 trong 1” là cách nói nôm na, nói tắt, không phản ánh đầy đủ bản chất kỳ thi này.

Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018
  • Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018

Chúng ta lưu ý, điều 2 của Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ mục đích của Kỳ thi THPT QG là nhằm: (i) Dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; (ii) cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; (iii) cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy, chúng ta đã rõ bản chất của Kỳ thi THPT QG. Chính vì vậy, năm 2019 và những năm tới, Kỳ thi THPT QG sẽ được tiếp tục duy trì với phương thức như hiện nay nhưng với những điều chỉnh để tốt hơn, trung thực, tin cậy hơn và phân hóa tốt hơn ở mức độ học vấn phổ thông, đúng với sứ mệnh của kỳ thi này.

Có ý kiến kêu gọi bỏ Kỳ thi THPT QG vì tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm đều đạt gần 100%. Bên cạnh đó còn có băn khoăn về việc kết hợp điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Như tôi đã nói ở trên, tổ chức 1 kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT là quy định trong Luật Giáo dục hiện hành. Nói riêng về mục đích của xét tốt nghiệp THPT, việc này khác với tuyển sinh, không phải là kỳ thi cạnh tranh mà quan trọng là đánh giá kết quả học của học sinh sau 12 năm so với mục đích, yêu cầu đặt ra của quá trình giáo dục ở bậc phổ thông như thế nào, đó chính là mục đích của việc thi, xét tốt nghiệp THPT.

Do đó không chỉ đơn giản là bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, mà quan trọng là chất lượng tốt nghiệp như thế nào, giữa các vùng miền ra sao, giữa các môn như thế nào; phải thông qua kỳ thi đó để có điều chỉnh quá trình dạy học, làm sao cho chất lượng tốt nghiệp ngày một tăng lên.

Cũng giống như quy trình sản xuất ra một sản phẩm vật chất, giả sử sản phẩm đã rất tốt rồi, nhưng vẫn phải kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) để ngừa lỗi, phòng tránh rủi ro và để chất lượng sản phẩm càng ngày càng nâng lên nữa. Việc tổ chức Kỳ thi THPT cũng vậy, để sau đó chúng ta đánh giá kết quả dạy học của các nhà trường, các vùng/miền, của các môn học; ngoài việc xét tốt nghiệp còn nhằm điều chỉnh quá trình dạy học, giúp chất lượng giáo dục ngày một tăng lên.

Còn việc sử dụng cả kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT, đó cũng là tiếp cận quốc tế, để thấy rằng nỗ lực của các em là một quá trình liên tục, ví như cuộc chạy bắt đầu từ vạch xuất phát đến khi về đích; đồng thời ngừa sự rủi ro xảy ra đối với học sinh trong những ngày thi. Tuy nhiên, từ thực tiễn và tiếp thu ý kiến dư luận, chúng tôi đang cân nhắc việc sử dụng kết quả học tập của học sinh trong lớp 12 ở mức độ thế nào là phù hợp.

Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vẫn là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở tuyển sinh
  • Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vẫn là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở tuyển sinh

Trường ĐH, CĐ vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi

Một số trường ĐH băn khoăn việc coi mục đích chính của Kỳ thi THPT QG là để xét tốt nghiệp THPT sẽ gây khó khăn cho họ khi tuyển sinh, vì khó sử dụng kết quả điểm thi để xét tuyển?

Các trường không phải băn khoăn về nội dung này. Như tôi đã nói, đề thi THPT QG thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông sau 12 năm học tập và tất nhiên có độ phân hóa. Do đó, phần lớn là các câu hỏi ở mức độ cơ bản, có một số câu hỏi mức độ khó dần lên để phân hóa, nhưng nằm trong mức độ học vấn phổ thông. Đây không phải là kỳ thi chọn HSG, không phải kỳ thi ĐH-CĐ để ra đề thi đánh đố học sinh, nhưng kỳ thi vẫn bảo đảm độ tin cậy, phân hóa và đánh giá đúng kết quả học tập, thì khi đó các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng để tuyển sinh.

Theo Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh; tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo của nhà trường, với uy tín, đẳng cấp của mình, trường có thể sử dụng các phương thức khác, như kiểm tra năng lực, sơ tuyển... Khi nào kỳ thi THPT QG còn bảo đảm độ tin cậy thì trường ĐH còn sử dụng để tuyển sinh, chứ không thể ép các trường bằng biện pháp hành chính. Và trên thực tế, kỳ thi đã đáp ứng được về căn bản yêu cầu của các trường nên các trường đã sử dụng kết quả thi THPT QG để tuyển sinh.

Thực tế, kết quả tuyển sinh những năm qua đã minh chứng cho hiệu quả của phương thức tuyển sinh này đối với không chỉ các trường mà cả đối với học sinh và xã hội. Kế thừa, phát huy những ưu điểm, chủ động nhìn nhận, khắc phục những hạn chế, bất cập để điều chỉnh tốt hơn các kỳ thi tới đây, Kỳ thi THPT QG sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Khi đó, tôi tin các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng kết quả thi THPT QG để tuyển sinh trên tinh thần tự chủ của các trường ĐH, CĐ.

Có tin đồn năm 2019 trường ĐH tự xây dựng phương án tuyển sinh và tổ chức thi tại trường. Ông có thể cho biết thông tin trên có đúng hay không vì học sinh rất quan tâm đến điều này?

Việc các trường ĐH xây dựng đề án tuyển sinh không mới, đã có từ năm 2014 đến nay. Vì tính chất của Kỳ thi THPT QG, kết quả còn bảo đảm độ phân hóa và sự tin cậy nên hầu hết các trường ĐH, CĐ trên cả nước đều sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau, và đây không phải là cách thức duy nhất, các trường cũng đã sử dụng phối hợp các phương thức khác được chỉ rõ trong đề án tuyển sinh của mình.

Xin khẳng định, năm 2019, 2020 vẫn tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT QG trên cơ sở ổn định như năm qua, với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi tốt hơn, tin cậy hơn. Những điều chỉnh chủ yếu liên quan đến người lớn, đến người tham gia tổ chức kỳ thi, còn với HS phổ thông lớp 12 thì không thay đổi gì đáng kể nên các em yên tâm học tập.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh có định hướng công tác dạy học cũng như tổ chức ôn tập để giúp các em đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi THPT QG 2019, lấy kết quả để xét, công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ