Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua

Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua

(GD&TĐ)-Ngành Giáo dục đã kết hợp hài hòa giữa “chống” và “xây” bằng việc tổ chức sáng tạo các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong nhà trường nhằm xây dựng được môi trường sư phạm lành mạnh, thiết lập trật tự, kỷ cương trong nhà trường và trong thi cử, làm chuyển biến căn bản ý thức tự giác học tập của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Sau 4 năm triển khai cuộc vận động ‘Hai không”, chất lượng giáo dục của toàn ngành của mọi cấp học không chỉ được nâng cao mà còn có những đổi mới mang tính chiều sâu, căn bản. Trật tự kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã được siết chặt, các vụ tiêu cực nghiêm trọng đã được chấm dứt. Những vụ việc tiêu cực bất thường xảy ra đã được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy chế. Số thí sinh bị đình chỉ thi giảm mạnh từ 2.621 em năm 2007 còn 45 em năm 2011. Số học sinh yếu kém đã giảm, số học sinh bỏ học giảm đáng kể qua các năm, từ 148.082(0,9%) em năm học 2007 xuống còn 75.691(0,51%) em vào năm 2010. Kết quả thi tốt nghiệp THPT được nâng lên qua từng năm phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Cụ thể, năm 2008 tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT (lần 1) là 76%, tăng hơn 9% so với năm 2007. Năm 2009 tỉ lệ tốt nghiệp là 83% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7% so với năm 2008. Năm 2010 tỉ lệ tốt nghệp là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009. Năm 2011 tỉ lệ tốt nghiệp là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT như vậy đã khẳng định ngay từ những năm đầu tiên thực hiện “Hai không”, chất lượng giáo dục thực chất đã được xác lập và tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiệm cận dần đều theo hướng ổn định hơn vào những năm sau. Bệnh thành tích trong công tác thi đua đã giảm một cách rõ rệt, thông qua việc thực hiện đánh giá thi đua theo vùng, góp phần thiết thực trong việc thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành cũng như nâng cao vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý. Hàng năm lãnh đạo Sở GD các tỉnh thành đều phải ký cam kết thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính Phủ; Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, đánh giá và xác định các biểu hiện tiêu cực, bệnh thành tích nhằm triệt tiêu để hướng đến một kết quả giáo dục dạy thật- học thật-thi thật và kết quả thật. Song song đó, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao tính tích cực dạy-học, rèn luyện của giáo viên và học sinh, làm đổi mới bộ mặt trường lớp. Ý thức tự giác học tập của học sinh, những sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy của giáo viên ngày càng có điều kiện phát huy. Chính vì thế, nếu như năm 2008 cả nước có 122 vụ vi phạm đạo đức nhà giáo thì đến năm 2009 chỉ còn 24 vụ, năm 2010 là 10 vụ và đến 6-2011 chỉ còn 3 vụ. Nhiều tấm gương tận tụy với học sinh, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, vì sự phát triển của đất nước đã được ngành kịp thời tuyên dương và khen thưởng, giúp phong trào mang lại hiệu quả rất tốt.

Có thể nói, Cuộc vận động “Hai không” và Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận và quan tâm của toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tuy chất lượng giáo dục còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều và dù chúng ta không quá tô hồng hay quá lạc quan, nhưng rõ ràng cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo ra động lực mới cho nền giáo dục toàn diện và bền vững. Đó là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực trong cuộc chiến chống tiêu cực, yếu kém của ngành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành phải thực hiện đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới quản lý là hướng đột phá. Với những người “trong cuộc”, thắng lợi của cuộc vận động “Hai không” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thực sự là động lực giúp họ vững bước trên con đường xây dựng giáo dục nước nhà trở thành một nền giáo dục tiên tiến.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Ngành GD&ĐT đã chủ động triển khai Chỉ thị 33/2006/CT-TTg với tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân...Đến giờ này có thể khẳng định mục tiêu cơ bản của Chỉ thị 33 đã được thực hiện một cách hiệu quả. Những mối quan hệ được xác lập trong nội bộ ngành giáo dục, giữa ngành giáo dục với các bộ ngành khác đã được xác lập trong quá trình thực hiện “Hai không” và “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển.

Từ năm học 2011-2012, việc thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành, trở thành hoạt động thường xuyên trong mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục. 

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.