Tiếp tục bổ sung chính sách đặc thù với người học

Tiếp tục bổ sung chính sách đặc thù với người học

(GD&TĐ) - Thủ tướng vừa ký ban hành Quyết định số 1379/QĐ-TTg về phát triển giáo dục – đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020.

Học sinh Trường tiểu học Trung Thu (Điện Biên). Ảnh: gdtd.vn
Học sinh Trường tiểu học Trung Thu (Điện Biên). Ảnh: gdtd.vn

Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề vùng trung du, miền núi Bắc Bộ là tiếp tục thực hiện và bổ sung một số chính sách đặc thù đối với người học.

Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên theo quy định hiện hành sẽ thực hiện chính sách ưu tiên cùng với giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo địa chỉ sử dụng; ưu tiên đối tượng học sinh sau khi tốt nghiệp từ các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh thuộc các huyện nghèo, học sinh thuộc dân tộc thiểu số rất ít người.

Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo thi đỗ và học tại các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng chính sách hỗ trợ cho học viên là người dân tộc thiểu số chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Cùng giải pháp về tài chính, các giải pháp khác được đặt ra là hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu huy động học sinh trong độ tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Theo Quyết định 1379, mục tiêu đến năm 2015, tất cả các tỉnh trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giáo dục phổ thông đạt tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở tiểu học đạt 98%, THCS đạt 90% và THPT đạt 55%. Năm 2015, số lao động có trình độ TCCN đạt 15% trong tổng số lao động qua đào tạo, thu hút từ 5 – 7 % số học sinh tốt nghiệp THSC vào học TCCN; toàn vùng có 24 trường CĐ nghề, 40 trường trung cấp nghề.

Với giáo dục ĐH, đến năm 2020, trên cơ sở quy hoạch mạng lưới được phê duyệt, thành lập mới từ 1 đến 2 trường ĐH và 1 đến 2 trường CĐ theo hướng đa ngành để ưu tiên phát triển các ngành, nghề sản xuất công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng; tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số đạt trên 30% trong tổng số sinh viên các trường ĐH, CĐ trong vùng.

Lập Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ