Hội nghị tập huấn hiệu trưởng trường trung học phổ thông về đổi mới giáo dục và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường khu vực phía bắc vừa diễn ra tại Hà Nội với mục đích nâng cao nhận thức cho hiệu trưởng trường THPT về đổi mới giáo dục và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường.
Một trong những vấn đến được quan tâm hiện nay là chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi thế nào, đội ngũ giáo viên cần thay đổi thế nào để đáp ứng được với yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới. Tại sao cần phải có sự thay đổi căn bản toàn diện GD-ĐT, và trong quá trình đổi mới, chúng ta học tập được những gì của các nước trên thế giới?
Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ: Để soạn thảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã tham khảo mục tiêu của nhiều quốc gia và định hướng giáo dục của các tổ chức quốc tế lớn.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đã tham khảo Tuyên bố của UNESCO về 4 trụ cột của giáo dục: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.
Các ý tưởng cơ bản trong tuyên bố này được coi là mục tiêu giáo dục mà nhân loại hướng đến và đã được thể hiện đầy đủ trong phần mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Mô hình giáo dục truyền thống, phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới trong hàng nghìn năm qua là “truyền thụ kiến thức”. Cách tiếp cận này lấy kiến thức làm mục tiêu tự thân của giáo dục, biến người học thành đối tượng tiếp nhận thụ động.
Khi khối lượng tri thức của nhân loại tích lũy được đã quá lớn và nhân lên từng ngày mà thời gian học tập lại có hạn, trong khi người học cần có khả năng giải quyết vấn đề và thích ứng với những thay đổi không lường trước được trong tương lai thì mô hình giáo dục truyền thống không còn thích hợp, thậm chí trở thành lực cản của tiến bộ xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ những kinh nghiệm trong buổi tập huấn
Vì vậy nhiều tổ chức quốc tế lớn như EU, OECD, WEF và nhiều quốc gia phát triển như Anh, Australia, Mỹ, Phần Lan, Singapore.. đã nghiên cứu và xây dựng khung các năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kì ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả, làm cơ sở để hoạch định chính sách và cách tiếp cận đối với giáo dục, trong đó có xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Mô hình chương trình phát triển năng lực được phổ biến trong bối cảnh đó.
Xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực là xu thế chung, phổ biến tại nhiều nước trên thế giới trong những thập niên gần đây.
Tuy trong văn bản chương trình một số nước không dùng thuật ngữ “năng lực” (competency) mà dùng thuật ngữ “kĩ năng” (skill) và không gọi tên chương trình theo mô hình phát triển năng lực (competency-based curriculum) một cách hiển ngôn.
Nhưng thực chất đều là mô hình chương trình chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức vào học tập và đời sống ngay trong quá trình học, nhờ đó học sinh có được những năng lực cần thiết để sống và làm việc suốt đời.
Các năng lực cần thiết này được thiết kế như là điểm xuất phát, cơ sở để lựa chọn các kiến thức cần dạy học trong chương trình.
Chương trình giáo dục phổ thông của nhiều nước thể hiện rõ nét và có hệ thống những năng lực cơ bản, thiết yếu đó với những tên gọi khác nhau. Chẳng hạn chương trình của Australia có 7 năng lực chung với tên gọi general capabilities, còn Phần Lan có 7 năng lực chung với tên gọi transversal competencies.
Mô hình chương trình phát triển năng lực và hệ thống các năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện xu thế chung đó của thế giới.
Tuy nhiên cần nói rõ, các năng lực này không thể hình thành và phát triển ngoài hệ thống kiến thức trong các môn học. Việc kết nối kiến thức và những năng lực có thể có từ việc học những kiến thức này là yêu cầu có tính chất nguyên tắc của chương trình giáo dục phổ thông mới.