Tiếp thêm động lực cho đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Ngoài gia đình, nhà trường là nơi cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ) dành nhiều thời gian gắn bó. Sống trong ngôi nhà chung nhưng mỗi người một cảnh. Do vậy, công đoàn chính là cầu nối giữa CBNGNLĐ với nhà trường thông qua nhiều hình thức khác nhau để CBNGNLĐ dù công tác ở vùng khó khăn hay thuận lợi đều được lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, thụ hưởng.

Khánh thành, bàn giao nhà công vụ giáo viên tại xã Chiềng Muôn (Mường La, Sơn La)
Khánh thành, bàn giao nhà công vụ giáo viên tại xã Chiềng Muôn (Mường La, Sơn La)

Lắng nghe và chia sẻ

Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho đội ngũ CBNGNLĐ là góp phần tái tạo sức lao động, tăng khả năng sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy mối quan hệ hài hòa và ổn định trong nhà trường. Xác định tầm quan trọng của việc chăm lo đời sống cho CBNGNLĐ, hàng năm, công đoàn các trường học đều tham mưu với chính quyền đồng cấp đều tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, cuộc thi nhân ngày lễ lớn.

Một buổi liên hoan văn nghệ hay thi đấu thể dục thể thao đã thực sự trở thành ngày hội với CBNGNLĐ mỗi đơn vị trường học. Những tiếng reo hò, cổ vũ vừa là động lực để các thí sinh, vận động viên thi đấu hết mình. Đây cũng là dịp thể hiện tinh thần tập thể, đoàn kết và là cơ hội để mọi người thấu hiểu, đồng cảm.

Tại các cơ sở giáo dục, công đoàn đặc biệt quan tâm đến nữ CBNGNLĐ và con em CBNGNLĐ động thông qua việc tặng hoa, quà ngày vào 8/3, 20/10, tặng quà cho các cháu con CBNGNLĐ học giỏi, tặng quà 1/6, Tết Trung thu...

Với nhiều CBNGNLĐ, nhà trường là nơi họ gắn bó, dành cả tuổi thanh xuân của mình nên chắc chắn bất cứ ai cũng cảm thấy ấm lòng khi nhận được những phần quà cùng những lời chúc mừng trong ngày sinh nhật, những ngày lễ lớn trong năm hay những lời động viên, thăm hỏi khi bản thân, thân nhân trong gia đình ốm đau.

Sức khỏe của CBNGNLĐ cũng là “sức khỏe” nhà trường nên việc tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) được các đơn vị quan tâm tổ chức thường xuyên trong các năm học, đảm bảo 100% CBGVNV được khám sức khoẻ, qua đó giúp cho CBGVNV phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Cùng là công việc dạy học nhưng có người ở vùng thuận lợi, người ở vùng khó. Mỗi nơi một hoàn cảnh, một điều kiện nhưng không vì thế mà giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn không vì thế mà bị "bỏ lại phía sau”.

    Công đoàn ngành Giáo dục cũng đề nghị nhà trường quản lý sử dụng đúng mục đích và thường xuyên duy tu, bảo quản công trình nhà công vụ giáo viên có thể sử dụng lâu dài.

Hàng năm, Công đoàn GD Việt Nam và công đoàn các tỉnh, thành, công đoàn các cơ sở giáo dục luôn có chương trình hỗ trợ giáo viên,học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp năm học mới, Tết Nguyên đán hay ngày lễ 20/11, các tổ chức CĐ đều có hoạt động thiết thực để chia sẻ, động viên nhà giáo và các em học sinh. Đây là hoạt động thường niên của các tổ chức công đoàn.

Thấu hiểu những vất vả mà đội ngũ CBNGNLĐ trải qua trong quá trình dạy học ở vùng khó, để động viên các thầy, các cô, Công đoàn GD Việt Nam cũng dành một phần kinh phí không nhỏ để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Nhà công vụ là nơi để các thầy, các cô nhà ở xa trường có chỗ nghỉ ngơi sau mỗi buổi dạy hoặc ở lại trong tuần.

Mới đây, được sự ủy quyền của Công đoàn GD Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Sơn La đã tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao nhà công vụ giáo viên cụm trường mầm non, TH&THCS xã Chiềng Muôn (Mường La) từ nguồn hỗ trợ lũ lụt do cán bộ, nhà giáo, đoàn viên lao động ngành Giáo dục cả nước quyên góp hỗ trợ.

Tại Lạng Sơn, nhà công vụ giáo viên cũng được khánh thành nhân dịp năm học mới. Công trình nhà công vụ giáo viên Trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Hữu Lũng được khởi công xây dựng từ tháng 4/2018 với khuôn viên diện tích xây dựng 141,75 m2 trong đó diện tích nhà công vụ 133,65 m2...

Nhà công vụ giáo viên là sự góp sức của CBNGNLĐ ngành Giáo dục cả nước, giúp cho các thầy cô giáo có chỗ ở ổn định để yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người còn nhiều gian nan vất vả, nhất là đối với các tỉnh miền núi. Do vậy, thêm một công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng là giảm bớt những vất vả cho đội ngũ nhà giáo ở vùng khó. Các thầy, các cô thay vì phải đi về hàng ngày hoặc ở nhờ nhà dân nay có ăn, ở kiên cố, đầy đủ tiện nghi ngay tại trường vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp thầy, cô yên tâm công tác.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, nhằm giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn cả nước, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai cuộc vận động quyên góp hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong toàn ngành Giáo dục. Theo đó, cán bộ nhà giáo, người lao động trên phạm vi cả nước đều chung tay quyên góp, hỗ trợ để có nguồn kinh phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ