Tiếp sức kịp thời cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sau đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Trước tình trạng đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch, các cơ sở mầm non ngoài công lập tại Thanh Hoá đã kịp thời được hỗ trợ cho vay vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Hiện toàn tỉnh Thanh Hoá có 75 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được tiếp cận gói vay hỗ trợ theo Nghị quyết 11 với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hoá có 75 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được tiếp cận gói vay hỗ trợ theo Nghị quyết 11 với số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Đứng dậy sau đại dịch

Dù đi vào hoạt động vào tháng 5/2020, thế nhưng khi dịch xuất hiện, cơ sở Mầm non tư thục Thùy Dương, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) phải tạm thời đóng cửa.

Do không hoạt động trong một thời gian dài khiến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc, nuôi dạy học sinh bị xuống cấp, hư hỏng.

Thời điểm đối mặt với nhiều khó khăn, chủ cơ sở đã được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ với số tiền 80 triệu đồng.

Cô Lê Thị Luyến, chủ cơ sở Mầm non Thuỳ Dương cho biết: “Thời điểm dịch bệnh, cơ sở đóng cửa nhưng để giữ chân 5 cô làm việc tại đây, tôi phải hỗ trợ mỗi cô từ 2 – 2,5 triệu đồng/tháng nên khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tháng 6 vừa qua, tôi đã được ngân hàng chính sách xã hội TP Sầm Sơn giải ngân cho vay. Số tiền này đã giúp cơ sở có kinh phí bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất như bếp, ti vi, tủ lạnh...”.

Nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 đối mặt với nhiều khó khăn.

Nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 đối mặt với nhiều khó khăn.

Cũng theo cô Luyến, sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời như liều thuốc tinh thần giúp cơ sở có thêm động lực, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi, ổn định trở lại.

Cũng như cơ sở Mầm non tư thục Thuỳ Dương, Trường Mầm non tư thục song ngữ Happy Kids (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hoá) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 60 trẻ ở độ tuổi từ 14 tháng đến 5 tuổi.

Từ năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cơ sở đã phải đóng cửa hơn 1 năm. Cô Nguyễn Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Happy Kids cho biết, dù dịch bệnh không hoạt động, không có doanh thu nhưng tiền thuê cơ sở vẫn phải trả theo hợp đồng 6 tháng/lần; tiền vay ngân hàng để đầu tư cơ sở vật chất dạy học phải trả lãi hàng tháng.

Không những vậy, khi dịch tạm thời lắng xuống, dù được phép mở cửa trở lại, nhưng do tâm lý e ngại của phụ huynh nên cơ sở cũng không tuyển được học sinh.

Trong lúc khó khăn chưa biết sẽ huy động nguồn kinh phí ở đâu, Trường Mầm non tư thục song ngữ Happy Kids được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá xét duyệt cho vay gói tín dụng phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11.

“Nhờ được giải ngân kịp thời số tiền 80 triệu đồng vào đầu tháng 7/2022 với lãi suất 3,3%/năm, thời hạn vay tối đa 36 tháng đã giúp cơ sở sơn mới lại các lớp học, lát lại nền đã hư hỏng và mua sắm thêm các đồ dùng học tập cho các cháu. Đây là sự hỗ trợ, động viên rất kịp thời, giúp các cơ sở giáo dục mầm non tư thục vượt qua thời điểm khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động”, cô Ngân chia sẻ.

Hàng chục cơ sở được tiếp sức

Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sầm Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố Sầm Sơn hiện có 27 cơ sở và 1 trường mầm non tư thục.

“Qua rà soát, có 8 cơ sở đảm bảo đủ điều kiện để giải ngân nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11. Đến thời điểm hiện tại, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sầm Sơn đã giải ngân được 7 cơ sở với số tiền 560 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ, nhiều cơ sở đã có nguồn kinh phí để sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, hoạt động ổn định trở lại”, ông Hưng cho biết thêm.

Các cơ sở sau khi nhận được vốn vay hỗ trợ đã mua sắm trang thiết bị

Các cơ sở sau khi nhận được vốn vay hỗ trợ đã mua sắm trang thiết bị

Trao đổi với PV Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 239 cơ sở mầm non tư thục.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch, qua rà soát, có 76 cơ sở có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để giải ngân nguồn vốn hỗ trợ. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương đã hoàn thành việc giải ngân cho 75 cơ sở này với số tiền hơn 6 tỷ đồng.

“Việc hỗ trợ kịp thời nguồn vốn đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập không chỉ thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước mà còn tiếp thêm sức mạnh, giúp các cơ sở mầm non ngoài công lập vượt qua khó khăn sớm phục hồi, phát triển, đóng góp chung vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới”, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá đánh giá.

Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, trong đó có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Nguồn vốn vay này dùng để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.

Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.