Trường mầm non ngoài công lập tại ĐBSCL sớm bắt nhịp trở lại

GD&TĐ - Sau giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19, các trường học, đặc biệt là trường mầm non ngoài công lập ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua nhiều khó khăn để trở lại hoạt động. Thông qua các chính sách hỗ trợ, nhiều trường sớm ổn định việc dạy, học, bắt đầu mùa tuyển sinh năm học 2022 - 2023.

Sau đại dịch Covid-19, các trường học, đặc biệt là trường mầm non ngoài công lập vượt khó để trở lại hoạt động. Ảnh: TG
Sau đại dịch Covid-19, các trường học, đặc biệt là trường mầm non ngoài công lập vượt khó để trở lại hoạt động. Ảnh: TG

Chính sách hỗ trợ kịp thời

Trong đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó nặng nề nhất phải kể đến các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất bị xuống cấp, đồ dùng đồ chơi bị hư hỏng.

Thấy được khó khăn đó, các cấp và ngành Giáo dục đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường vượt khó, tiếp tục dạy học. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 11/2022/QĐ-TTg (Quyết định 11) về tín dụng ưu đãi với các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số vốn 1.400 tỷ đồng.

Theo đó, mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Ngân hàng Chính sách xã hội dựa trên phương án vay vốn xác định lãi suất cho vay 3,3%/năm, thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Đây được xem là tín hiệu vui giúp cơ sở giáo dục ngoài công lập có động lực hồi sinh, duy trì hoạt động.

Với cơ sở giáo dục ngoài công lập tại tỉnh Tiền Giang, sau đại dịch Covid-19, khó nhất là thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng. Theo đại diện sở GD&ĐT, trên địa bàn tỉnh có 18 trường mầm non ngoài công lập, 120 cơ sở mầm non ngoài công lập, giảm 7 cơ sở so với đầu năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thống kê ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 40% cơ sở giáo dục ngoài công lập có nhu cầu tiếp cận với nguồn vay vốn theo Quyết định 11.

Đến nay, tại TP Mỹ Tho có 5 đơn vị đề nghị được hỗ trợ, trong đó có 3 nhóm trẻ có nhu cầu hỗ trợ 80 triệu đồng, 1 nhóm trẻ 60 triệu đồng và 1 trường mầm non cần hỗ trợ 100 triệu đồng. Còn tại huyện Châu Thành có 3 cơ sở có nhu cầu vay vốn theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, sau khi có thông báo từ UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định 11, sở GD&ĐT đã triển khai đến các phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục có nhu cầu vay vốn. Sở cũng thông tin, tuyên truyền rộng rãi nhằm giúp cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhanh chóng nắm bắt thông tin và tiếp cận nguồn vốn.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hoàng Trang - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Tiền Giang), thông qua phòng GD&ĐT, Ngân hàng Chính sách xã hội của từng địa phương sẽ có nhân viên hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng có nhu cầu theo quy định. Thủ tục đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, chính vì vậy, các chủ cơ sở hoàn toàn yên tâm...

Bằng các chính sách hỗ trợ, nhiều trường mầm non ngoài công lập sớm ổn định việc dạy, học sau đại dịch Covid-19. Ảnh: TG

Bằng các chính sách hỗ trợ, nhiều trường mầm non ngoài công lập sớm ổn định việc dạy, học sau đại dịch Covid-19. Ảnh: TG

Nhanh chóng trở lại bình thường mới

Qua rà soát ban đầu, tỉnh Cà Mau có 11 trường và 52 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 8 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã đăng ký lập hồ sơ vay vốn.

Là một trong những cơ sở giáo dục ngoài công lập vừa được vay vốn, cô Bùi Thị Hiền Trang, quản lý Trường Mầm non Dầu Khí (TP Cà Mau), cho biết: Do dịch bệnh nên trường tạm ngưng hoạt động từ tháng 5/2021 - 2/2022. Cơ sở vật chất bị hư hỏng, trường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để sửa chữa, duy trì hoạt động. Rất may Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi theo Quyết định 11. Từ nguồn vốn này, nhà trường mua sắm trang thiết bị như máy lọc nước, tivi, bàn ghế, đồ dùng học tập... để khôi phục và tiếp tục duy trì hoạt động.

Phục hồi sau đại dịch Covid-19, các trường tập trung cho việc lâu dài như tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất. Tại TP Cần Thơ, sau khi trở lại bình thường mới, trường mầm non tích cực tuyển sinh cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.

Theo cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Ngọc (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), phương thức tuyển sinh cơ bản như năm qua (tuyển đúng địa bàn phường theo quy định của quận). Năm nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đã tiêm ngừa tạo điều kiện thuận lợi hơn khi huy động trẻ ra lớp. Đồng thời công tác truyền thông cũng được nhà trường đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến qua trang web, nhóm Zalo, bảng thông báo tại trường…

Từ đầu tháng 7, các trường mầm non trên địa bàn quận Ô Môn (TP Cần Thơ) bắt đầu tổ chức tuyển sinh lớp đầu cấp. Phòng GD&ĐT quận Ô Môn đã chỉ đạo mỗi trường thành lập một tổ công tác làm nhiệm vụ tuyển sinh như kiểm tra hồ sơ của học sinh; xét tuyển và lập biên bản xét tuyển, danh sách học sinh trúng tuyển trình lãnh đạo phòng GD&ĐT quận phê duyệt…

Phòng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận tận dụng mọi nguồn lực, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi vào các lớp mầm non, mẫu giáo. Đặc biệt, ưu tiên huy động 100% trẻ năm tuổi trên địa bàn ra lớp. Những nơi có đủ điều kiện, cần tăng cường thực hiện dạy 2 buổi/ngày và bán trú theo Chương trình giáo dục mầm non mới. Có kế hoạch để bảo đảm cho trẻ ba tuổi, bốn tuổi và trẻ độ tuổi nhà trẻ được đi học; tăng dần tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường…

Tỉnh Cà Mau cũng đang tạo điều kiện hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo Quyết định 11. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Cà Mau được Trung ương phân bổ 5 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay vốn đối với các nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục; nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục; trường tiểu học tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.