Tiếp sức đồng minh

GD&TĐ - Trong bối cảnh phải chịu sức ép dữ dội với Nga trên chiến trường, Ukraine đang được các đồng minh châu Âu trợ giúp thêm vũ khí phòng không để đối phó.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong một động thái viện trợ mới nhất, ngày 28/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã ký một thỏa thuận an ninh song phương, trong đó Bỉ cam kết cung cấp 30 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine từ nay cho đến năm 2028.

Bên cạnh đó, Bỉ cũng hỗ trợ xe bọc thép hiện đại, trang thiết bị phòng không - không quân, an ninh hải quân, rà phá bom mình và huấn luyện quân sự cho Ukraine.

Những chiếc F-16 trong gói viện trợ trên sẽ từ Bỉ tới Ukraine trong năm nay nhằm tăng cường sức mạnh cho đồng minh vốn đang chịu lép vế trước Nga trong cuộc xung đột.

Đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trong các đồng minh phương Tây hỗ trợ trực tiếp máy bay chiến đấu cho không quân Ukraine, thiết bị mà Kiev liên tục kêu gọi các nước viện trợ cho mình.

Ngoài Bỉ còn có Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy cũng cam kết cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do Mỹ sản suất cho Ukraine. Đan Mạch hồi tháng 3/2024 tuyên bố sẽ bàn giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine “trong mùa hè này” nhưng không có thời điểm cụ thể. Còn Hà Lan cho biết sẽ chuyển 24 chiến đấu cơ viện trợ Ukraine và những chiếc đầu tiên sẽ tới vào nửa cuối năm 2024.

Tới ngày 13/5 vừa qua, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã chốt thời điểm chuyển giao lô đầu tiên gồm 5 chiếc F-16 cho Ukraine trong tháng 6/2024. Đây là loại khí tài mà Ukraine “khát khao” sở hữu nhất hiện nay với kỳ vọng những chiếc F-16 hiện đại có thể giúp nước này thay đổi tình hình trên chiến trường, đồng thời tăng khả năng phòng thủ cũng như tấn công bằng đường không cho Kiev.

Không chỉ viện trợ máy bay chiến đấu, các đồng minh phương Tây còn cử cả nhân sự tới hỗ trợ huấn luyện cho Ukraine. Trong một thông báo bất ngờ hôm 27/5, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi xác nhận nước này sẽ cho phép các huấn luyện viên quân sự Pháp tới giúp đào tạo quân nhân.

Nhưng ngay sau đó Bộ Quốc phòng Ukraine đã ra thông báo khẩn cho biết nước này mới đang quan tâm và thảo luận với Pháp về vấn đề tiếp nhận huấn luyện viên quân sự.

Vấn đề Pháp đưa binh sĩ tới Ukraine vốn gây chú ý suốt thời gian qua sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng này. Ông lần đầu đề cập đến vấn đề triển khai quân phương Tây tới Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua. Nhưng tuyên bố này nhạy cảm đến mức ngay sau đó đã khiến người đứng đầu NATO và các đồng minh lớn như Mỹ, Đức, Anh lên tiếng bác bỏ.

Nga tuyên bố coi việc NATO đưa quân đến Ukraine là lằn ranh đỏ không được bước qua nếu không cuộc xung đột sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và có thể lan khắp châu Âu.

Sự đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ không thể tránh khỏi nếu điều này diễn ra. Đối với việc viện trợ vũ khí như máy bay chiến đấu F-16 thì Nga dịu giọng hơn khi khẳng định điều đó sẽ không thể thay đổi kết quả cuối cùng.

Thậm chí Tổng thống Nga Vladimyr Putin còn cảnh báo những chiếc F-16 được viện trợ của Ukraine sẽ nhanh chóng cháy rụi như các xe tăng phương Tây trên chiến trường hiện nay.

Nga cũng khẳng định sẽ tìm cách tấn công các địa điểm bên ngoài Ukraine nếu các máy bay được viện trợ này xuất hiện ở đó, hàm ý sẽ không gói gọn các cuộc tấn công trong lãnh thổ Ukraine như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

GD&TĐ - Nhạc trưởng Kevin De Bruyne đã "đồng ý miệng" về việc rời Man City và chuyển sang thi đấu tại giải Saudi Pro League của Ả Rập Xê-út.