Đây được xem là mục tiêu tương đối khả thi, nhưng ngành nông nghiệp cũng cần phải nâng cao giá trị gia tăng hơn nữa thay vì chủ yếu XK thô như hiện nay.
Tiếp tục bứt phá trong năm 2018
Trong tổng số 37 - 38 tỷ USD tổng giá trị XK mà ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2018, nhóm hàng nông sản dự kiến đóng góp khoảng 20 tỷ USD.
Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2018 Cục Trồng trọt đã vạch ra các giải pháp cũng như kế hoạch sản xuất đối với từng nhóm cây trồng chủ lực. Cụ thể, với lúa gạo sẽ tập trung sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao để nâng chất lượng, giá bán tại thị trường trong nước lẫn XK...
Một số chuyên gia nhận định, tình hình XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong năm 2018 tương đối thuận lợi. Điển hình có thể kể đến là mặt hàng điều. Năm 2017, ngành điều Việt Nam đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, XK nhân điều.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất xanh và sạch hơn, chế biến sâu, phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ XK để đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 3,5 - 3,7 tỷ USD.
Không chỉ nông sản, XK lâm sản và thủy sản cũng được nhìn nhận sẽ rất khả quan trong năm 2018. Những năm gần đây, XK gỗ và sản phẩm gỗ có mức tăng trưởng khá đều đặn, khoảng 10 - 15%/năm.
Trong năm 2018, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6,2 - 6,5%; kim ngạch XK đạt 8,2 tỷ USD.
Đối với XK thủy sản, dù dự kiến sẽ không tăng trưởng mạnh như nông, lâm sản, song toàn ngành cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản từ 5,3 - 5,8% và kim ngạch XK thủy sản đạt 8,5 tỷ USD (tăng 1,2% so với ước thực hiện năm 2017).
Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), mục tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng trở lại, khả năng nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn, trong đó có sản phẩm thủy sản.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, cạnh tranh thương mại, xu thế là các thị trường nhập khẩu (NK) sẽ tiếp tục duy trì nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, ATVSTP.
Để đạt mục tiêu đề ra, trong năm 2018, ngành thủy sản định hướng sẽ phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ lệ sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng...
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhất là sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng“ của EU; đồng thời hài hoà hoá các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế...
Còn đó những khó khăn, thách thức
Nói về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá nói chung, nông, lâm, thủy sản nói riêng trong năm 2018, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, nhìn chung xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức từ những diễn biến khó lường, bất ổn của tình hình quốc tế.
Cụ thể như: Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và tác động đa chiều; căng thẳng chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng như giảm nhu cầu NK các mặt hàng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nguồn cung nông sản toàn cầu tiếp tục tăng trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK; xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng...
Đối với nhóm nông, thủy sản, cơ bản nguồn cung đã đến ngưỡng, khó có thể tăng trưởng về lượng XK. Cùng với đó, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK của một số mặt hàng cũng dẫn đến thiếu chủ động, tăng chi phí, phụ thuộc vào giá NK...