Tiếp cận tác phẩm An Dương Vương qua hệ thống câu hỏi gợi tính liên tưởng

Tiếp cận tác phẩm An Dương Vương qua hệ thống câu hỏi gợi tính liên tưởng

(GD&TĐ) - Trong giờ giảng văn, hệ thống câu hỏi đóng vai trò quan trọng. Câu hỏi gợi mở, câu hỏi để khẳng định, câu hỏi để nhấn mạnh chi tiết trong trường thẩm mỹ của tác phẩm...

Giảng “An Dương Vương” – nếu biết cách tiếp cận tác phẩm thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở,  học sinh sẽ tiếp nhận tác phẩm không chỉ ở phạm trù văn chương, mà cả lịch sử, văn hoá và mỹ học. 

Đây là câu chuyện truyền thuyết, mọi vấn đề đưa ra đều được ảo hoá,  linh hoá... nhưng chủ đề tư tưởng lại rất rõ ràng.

-Vua được Thần Rùa giúp, thành xây rộng nghìn trượng (trên 3km), xoắn như hình chôn ốc, xây nửa tháng thì xong. Vậy mà Rùa thần ở lại 3 năm mới ra đi? Khi đi còn dặn: “Vận nước thịnh suy, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận.” Liệu Vua có cảm nhận và hiểu được lời dặn đó? 

Đền thờ An Dương Vương (Cổ Loa, Hà Nội)
Đền thờ An Dương Vương (Cổ Loa, Hà Nội)

 Sau khi nghe thầy hỏi, học sinh sẽ có nhiều ý kiến, cảm nhận khác nhau. Có em cho rằng thần Rùa ở lại 3 năm có thể là do Vua níu kéo... Nhưng đa số học trò nhạy cảm có thể sẽ đưa ra nhận định: Thần Rùa ở lại lâu như thế là để có thời gian xem xét công việc điều hành quốc gia của Vua, sau khi đã có Loa thành kiên cố. Hình như thần không yên tâm, mà còn băn khoăn về vận nước, khi ra đi mới dặn như vậy. Lời của Rùa thần rành rẽ mà sâu xa như ngầm mách bảo Vua: Ta giúp ngươi xây loa thành, ta tháo móng vuốt cho ngươi làm lẫy nỏ cũng là do mệnh trời đấy! Muốn giữ nước lâu dài, hưng thịnh ngươi phải tu đức và anh minh, có nhân tâm với muôn dân. Mới tề gia, trị nước, bình thiên hạ được. 

Giảng đến đây giáo viên cần đưa ra câu hỏi, để học sinh liên tưởng ở tầng nghĩa mới, cao hơn, sâu hơn:

- Rùa thần là bóng dáng của những ai? 

 Trong truyền thuyết này, nhân vật thần Rùa là trời đất hoá thân, là sức mạnh của muôn dân, là hiền tài nguyên khí của quốc gia.

Còn công việc xây thành Cổ Loa, lần đầu tiên thì sứ Thanh Giang tự thân đến để giúp Vua, nhưng trong lần thứ hai, trốn chạy ra biển, Vua đường cùng, kêu sứ Thanh Giang cứu: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau lại cứu.” 

Hệ thống câu hỏi đặt ra là: 

- Sứ Thanh Giang nổi lên với thái độ thế nào? Lần này sứ Thanh Giang cứu giúp hay trừng phạt? 

Thần Rùa rất phẫn nộ thét lên: Kẻ thù ngồi sau lưng. Lẽ ra Vua phải trừng phạt mình, tự chém mình. Vì chính vua chứ không ai khác đã gây nên hiểm hoạ này. Vua tự chém con gái yêu vô tội thì nỗi đau của Vua còn tăng gấp nhiều lần so với Vua tự  trừng phạt mình. 

Bi kịch ở chỗ lỗi tại mình mà lại giết con, thì còn cứu làm gì vị Vua ấy. Sứ Thanh Giang đưa vua xuống biển để trừng phạt. Còn trừng phạt thế nào mọi người đều có quyền suy đoán.

Nước đã mất. Nhà đã tan, tình yêu đẫm máu. Mối tình Trọng Thuỷ-Mị Châu thật giả thế nào, hãy công tâm mà phán xét? Câu hỏi gợi mở sẽ là:

- Một thân của Trọng Thuỷ phải gánh vác mấy bổn phận? Đó là những bổn phận nào? Nhận xét và đánh giá từng bổn phận?

Trọng Thuỷ phải gánh vác ba bổn phận. Đó là: bổn phận làm con đối với cha, bổn phận làm tôi đối với vua. Bổn phận làm chồng đối với Mị Châu. Làm con, Trọng Thuỷ không thể không nghe lời cha. Làm tôi không nghe lời Vua. Vua cha giao cho Trọng Thuỷ làm gián điệp bằng cách lấy Mị Châu và ở rể để tìm ra bí quyết sức mạnh của nỏ thần. Trọng Thuỷ nghe theo và làm trọn bổn phận. Như vậy, Trọng Thuỷ là bề tôi trung, là người con có hiếu. 

Còn bổn phận làm chồng? Nhiều người cho rằng Trọng Thuỷ chỉ đóng vai trò chồng giả lợi dụng Mị Châu để dò la bí quyết, để ăn cắp lẫy nỏ thần. Đừng vội kết luận như vậy. 

Ta hãy lắng nghe lời tâm sự của Trọng Thuỷ với Mị Châu. “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ.” Câu nói như hai vế đối rút ra từ gan ruột. Trọng Thuỷ đã đem tình vợ chồng, nghĩa mẹ cha để lên đĩa cân tình cảm mà đắn đo, cân nhắc (bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn). Cả hai đều không thể lìa xa và dứt bỏ. Hơn ai hết Trọng Thuỷ biết khi mình về thăm cha là chiến tranh sẽ xảy ra. Vợ chồng sẽ chia lìa đôi ngả. Không muốn mất vợ Trọng Thuỷ mới hỏi Mị Châu cách tìm. Chàng đã bất ngờ khi tìm thấy vợ thì vợ đã bị cha đẻ chém chết. Trọng Thuỷ đau xót, ôm xác vợ về chôn ở Loa Thành như chôn chính bản thân mình. Tình vợ chồng không thể lìa xa. Trọng Thuỷ đã lao đầu xuống giếng chết theo để vợ chồng ở mãi bên nhau.

Tiền nhân khi viết truyền thuyết này sợ hậu thế hiểu lầm về Trọng Thuỷ nên đã đưa vào tình tiết Hạt châu, Giếng ngọc để minh oan cho cả Mị Châu và Trọng Thuỷ.

Truyện An Dương Vương dựng nước, giữ nước rồi để mất nước tuy xa nhưng vẫn gần, tuy cũ mà vẫn mới.  Yêu nước, quyết tâm dựng nước nhưng An Dương Vương chỉ biết dựa ở nơi ngoài mà không biết cậy ở nơi trong. Đã thế lại còn chủ quan kiêu ngạo nên cơ đồ đắm biển sâu là lẽ tất yếu. 

Hệ thống câu hỏi gợi sự liên tưởng sẽ làm rõ hình tượng nhân vật và làm rõ hơn tính tư tưởng chủ đạo - thông điệp mà tác giả dân gian gửi đến: Bài học về cảnh giác vẫn mãi còn đó. Vận nước không thể lơi là mất cảnh giác - bất kể lúc nào.

NGƯT Hoàng Trung Hiếu –Nam Định

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ