Tiếp bài “Điện Biên: Sống mòn ở phố lò gạch”: Nhà máy gạch hoạt động chui, “bụi” che mắt chính quyền?

GD&TĐ - Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, Nhà máy gạch Tuynel của Công ty cổ phần sản xuất và xây dựng Điện Biên vẫn xả khói ngùn ngụt.

Nhà máy gạch Tuynel ngang nhiên hoạt động “chui” giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ.
Nhà máy gạch Tuynel ngang nhiên hoạt động “chui” giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ.

Thế nhưng, cơ quan quản lý ở địa phương lại không biết. Có hay không việc “nhắm mắt, bịt tai” để hoạt động “chui” diễn ra giữa thanh thiên, bạch nhật?

“Nhắm mắt” làm ngơ?

Xí nghiệp sản xuất gạch ngói do UBND huyện Điện Biên thành lập và quản lý. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình quản lý, thay đổi chủ sở hữu, đến 13/10/2010, UBND tỉnh Điện Biên quyết định chuyển đổi thành công ty cổ phần theo hình thức bán toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với vốn điều lệ hơn 7,4 tỷ đồng. Đến nay được gọi là Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng (Cty CP SXVL&XD) Điện Biên.

Công ty được UBND tỉnh cho thuê đất tại phường Him Lam để sản xuất gạch đất nung với thời hạn 20 năm (tính từ tháng 2/1999).

Ngày 4/3/2019, khi Công ty hết thời hạn thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Điện Biên đã “tuýt còi” bằng Thông báo số 147. Nội dung nêu rõ: “Việc sử dụng đất (38.481,5m2) của Cty CP SXVL&XD Điện Biên không còn phù hợp với quy hoạch được UBND TP Điện Biên Phủ phê duyệt…

Do đó, Công ty không đủ điều kiện để được gia hạn quyền sử dụng đất thuê tại địa bàn phường Him Lam… Trường hợp công ty tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất kinh doanh, đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét tìm vị trí, địa điểm mới phù hợp với quy hoạch chung trên địa bàn tỉnh. Báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương về nhu cầu sử dụng đất của Công ty”.

Sở TN&MT Điện Biên cũng yêu cầu Công ty có phương án di chuyển tài sản trên đất để Sở trình UBND tỉnh thu hồi đất ngay trong tháng 3/2019.

Thế nhưng, hơn một năm sau, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc sở này lại có Văn bản 1087 gửi 3 Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và UBND thành phố Điện Biên Phủ xin ý kiến về đề xuất: “Đề nghị UBND tỉnh đồng ý gia hạn thuê đất cho Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Điện Biên từ ngày 3/2/2019 đến hết ngày 31/12/2022”.

Trả lời nội dung xin ý kiến của Sở TN&MT tại Văn bản 1087 chỉ duy nhất Sở Xây dựng Điện Biên khẳng định “Đồng ý đề nghị UBND tỉnh gia hạn…”; còn 2 Sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư trả lời chung chung.

Riêng UBND thành phố Điện Biên Phủ không trả lời đồng ý hay không đồng ý với hướng giải quyết đó. Song, UBND thành phố dẫn hai văn bản, gồm: Kế hoạch của UBND tỉnh Điện Biên về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Quyết định 529 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của thành phố Điện Biên Phủ. Nội dung hai văn bản trên đều cho thấy, đề nghị gia hạn thuê đất của Cty CP SXVL&XD Điện Biên là không phù hợp.

Tổng hợp ý kiến các sở, UBND thành phố Điện Biên Phủ, ngày 9/11/2020 Sở TN&MT chính thức có Báo cáo 239 gửi UBND tỉnh Điện Biên để kiến nghị: “UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho công ty tiếp tục thuê đất tại phường Him Lam để làm trụ sở, sản xuất gạch Tuynel”. Trong khi đó, theo nguồn tin mà chúng tôi có được thì đến nay, UBND tỉnh Điện Biên vẫn chưa chấp thuận phương án xin gia hạn hoạt động.

Dung túng?

Trên thực tế, khi Cty CP SXVL&XD Điện Biên đã không còn điều kiện để hoạt động, cơ quan tham mưu lúng túng tìm hướng gia hạn thì Công ty này vẫn hoạt động, bất chấp quy định của Nhà nước. Thế nhưng, trong các báo cáo gửi lên trên, chính quyền thành phố và cả cơ quan chuyên môn cũng không hề hay biết(?).

Đơn cử như Báo cáo số 281 ngày 1/7 vừa qua của UBND thành phố. Sau đợt kiểm tra các cơ sở trên địa bàn, UBND TP Điện Biên Phủ có báo cáo vắn tắt hơn một trang giấy. Trong đó, khẳng định: Tại thời điểm kiểm tra, Nhà máy gạch Tuynel (của Cty CP SXVL&XD Điện Biên) không hoạt động sản xuất, văn phòng không có người điều hành.

Còn tại Báo cáo 1729 của Sở Xây dựng ban hành hôm 30/8 do ông Nguyễn Minh Lượng - Phó Giám đốc ký gửi UBND tỉnh cũng khẳng định: Nhà máy gạch Tuynel nói trên hiện đang dừng hoạt động do hết thời gian thuê đất.

Trong khi đó, hôm 30/9 tại nhà máy này, chúng tôi được bà quản lý nhà máy Lưu Thị Lan đưa đi tham quan khu sản xuất với các thông tin rành rọt: “Công suất trung bình của nhà máy 16 triệu viên/năm. Giá bán tại nhà máy gạch loại 1 là 1.100 đồng/viên; loại 2 giá 900 đồng/viên. Làm việc thường xuyên tại nhà máy có gần 40 công nhân chia theo ca, theo kíp liên tục suốt cả ngày. Hàng thì lúc nào cũng có, chỉ sợ gạch không khô kịp để vào lò…”.

Nhà máy gạch vẫn phả khói đều đều, còn hơn 100 hộ dân phía bên kia bức tường thì vẫn “hưởng” trọn.

Như Báo GD&TĐ đã phản ánh, Nhà máy gạch Tuynel hoạt động “chui” giữa lòng thành phố suốt hơn 2 năm qua. Ngay phía sau nhà máy này là nơi ở của 132 hộ, với 445 nhân khẩu.

Dọc khu phố, hầu hết các gia đình đều “cửa đóng, then cài”. Hãn hữu lắm mới có nhà mở cửa. Họ làm vậy vì không chịu được tiếng ồn từ nhà máy phát ra. Phần cũng bởi lo mùi khói than bay vào nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng tổ dân phố 19 thì đã có rất nhiều người ở đây đều mắc chung một chứng bệnh, đó là ung thư vòm họng. Thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân, ông Minh đã không ít lần kiến nghị lên trên, song vẫn chưa nhận được một lời giải thích thỏa đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.