Điện Biên: Sống mòn bên “phố lò gạch”

GD&TĐ - “Đây là nhà bà Nguyên. Còn kia là nhà bà Tịch, rồi đến nhà ông Mạnh. Họ chết đã vài năm rồi. Tất cả đều bị ung thư vòm họng… Sống bên cạnh cái nhà máy gạch đầy ô nhiễm này thì ai mà chịu được”…

Nhà máy gạch của Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Điện Biên vẫn ngang nhiên hoạt động trong khi 30/8/2021 Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên vẫn báo cáo UBND tỉnh rằng công ty này đã “dừng hoạt động”.
Nhà máy gạch của Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Điện Biên vẫn ngang nhiên hoạt động trong khi 30/8/2021 Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên vẫn báo cáo UBND tỉnh rằng công ty này đã “dừng hoạt động”.

Ai gia hạn hoạt động?

Trong vai người đi mua vật liệu xây dựng, chúng tôi đến Nhà máy Sản xuất gạch Tuynel của Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng tỉnh Điện Biên. Nhà máy này “ngự” tại tổ dân phố (TDP) 19, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Từ đầu ngõ, không khó để nhận thấy hoạt động sản xuất của nhà máy này vẫn diễn ra tấp nập dù đã có nhiều ý kiến phản ánh của người dân.

Trước cửa nhà máy, những ao, hồ loang lổ trước kia từng được đào, xới để lấy nguyên liệu làm gạch giờ đã được san lấp bằng phẳng, rộng rãi. Thay thế cho ao, hồ là một dự án đầu tư xây dựng mới, khang trang với những con đường trải asphalt đẹp đẽ.

Bên cạnh khung cảnh đó là bức tranh tương phản với bộ mặt nhếch nhác của một góc nhà máy gạch còn sót lại. Có một khu la liệt chứa đất đồi đắp đống và vụn gạch, xỉ than mới ra lò. Cạnh đó là một nhà máy tồi tàn sau nhiều năm không nâng cấp, sửa chữa.

Trong nhà máy, vài ống khói cao chừng hơn hai chục mét vẫn xả khói than nghi ngút. Còn dưới cái nhà máy tồi tàn, xuống cấp kia, vẫn rả rích tiếng nói, cười của hơn chục công nhân. Họ đang thoăn thoắt bốc gạch lên chiếc xe thùng đang đỗ chờ đầy “hàng” để “xuất bến”. La liệt những khay gạch mới vẫn lần lượt được trượt ra, chờ “lốt” vào lò.

Theo hướng dẫn của những công nhân, “muốn mua gạch, khảo giá thì vào gặp chị Lan - Phó Giám đốc của Công ty”. Bà Lưu Thị Lan, người được giới thiệu đang làm việc tại một phòng trong dãy nhà làm việc cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng. Bà Lan giới thiệu mình là người quản lý toàn bộ nhà máy này.

Khi được hỏi về điều kiện và thời hạn hoạt động của nhà máy, bà Lan quả quyết: Dù đã hết niên hạn hoạt động từ 2019 nhưng đã “được tỉnh gia hạn giấy phép hoạt động”. “Chúng tôi được gia hạn đến tận 2023 cơ mà!”, bà Lan nói.

Nhưng khi được yêu cầu cho xem giấy phép hoạt động và biết bản thân đang làm việc với cơ quan báo chí, bà Lan ú ớ: “Cái đó là thẩm quyền cấp trên của tôi. Tôi chỉ quản lý ở đây, hàng ngày nhập nguyên liệu như thế nào? Xuất hàng ra sao? Chứ tôi làm gì có quyền quản lý và cung cấp thủ tục, giấy tờ được!”.

Công nhân bốc gạch chuẩn bị “xuất hàng”.
Công nhân bốc gạch chuẩn bị “xuất hàng”.

Cử tri đã nhiều lần “kêu mà chưa thấu”!

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng TDP 19 thấy rõ được bức xúc của người dân trong khu dân cư này nhất. Chính bản thân ông Minh cũng đã không ít lần thay mặt bà con, phản ánh đến lãnh đạo UBND TP Điện Biên Phủ thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri. Phản ánh đã nhiều, song đâu lại vào đấy.

Theo chân ông Minh, chúng tôi đi men theo con đường bê tông phía ngay sau nhà máy gạch để thăm các hộ dân, những người đã nhiều năm sống chung với khói bụi và ô nhiễm. Khu dân cư cách nhà máy gạch chỉ 1 bức tường cao chưa quá đầu người. Đó là nơi ở của 132 hộ, với 445 nhân khẩu.

Ông Nguyễn Văn Nhuận sống ở khu dân cư này từ năm 1974 đến nay. Ông Nhuận thấu hiểu nỗi khổ của người dân ở đây hơn ai hết bởi chính nhà ông cũng đang chịu    ảnh hưởng.

“Trước tôi từng làm bảo vệ ở đây. Cứ mỗi lần có đoàn kiểm tra đến, tôi đều hỏi: “Thế các anh có thấy nhà máy này ô nhiễm không?”. Nhưng khi đoàn làm việc xong, người ta có gửi cho cái gì đó, thế là kết quả kiểm tra lại tốt hết!

Còn người dân ở đây thì rất khổ. Ban ngày còn đỡ, chứ còn ban đêm thì ồn không thể chịu được. Mỗi khi có gió Tây Bắc thổi về hoặc vào mùa đông thì người dân hưởng trọn khói than vì khói thổi thẳng vào nhà và không thoát đi được”, ông Nhuận nói.

Dọc khu phố giáp ranh với nhà máy gạch, hầu hết các gia đình đều “cửa đóng, then cài”. Hãn hữu lắm mới có nhà mở cửa. Họ làm vậy vì không chịu được tiếng ồn từ nhà máy phát ra. Phần cũng bởi lo mùi khói than bay vào nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe. Có gia đình không chịu được đã phải treo biển bán nhà từ lâu, song cũng chẳng có ai dám “nhòm ngó”.

“Đây là nhà bà Nguyên. Còn kia là nhà bà Tịch, rồi đến nhà ông Mạnh. Họ chết đã vài năm rồi. Còn phía trong kia là nhà bà Viên. Bà ấy mới được bệnh viện “trả về” hôm qua… Tất cả đều bị ung thư vòm họng… Sống bên cạnh cái nhà máy gạch đầy ô nhiễm này thì ai mà chịu được!”, ông Minh chia sẻ.

Trong căn nhà ẩm mốc cũ kỹ, chồng bà Viên buồn rầu trước tình trạng sức khỏe của vợ. Chính bản thân ông cũng chẳng biết sự sống của vợ mình sẽ kéo dài được bao lâu.

Giáp ranh với nhà bà Viên là gia đình bà Nguyễn Thị Hương. Người láng giềng này cũng chẳng có gì khá hơn.

“Đây là nhà bà Hương. Gia đình bà cũng đang chuẩn bị đồ đạc để mai đi Hà Nội trị xạ này. Bà ấy đi Hà Nội chữa bệnh như cơm bữa. Mỗi tháng 1 lần”, ông Minh nói.

Nhà máy gạch của Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Điện Biên thì đã hết thời hạn cấp phép. Người dân xung quanh thì bị bệnh tật hoành hành. Ai đã cố tình “nhắm mắt, bịt tai” để một nhà máy không đủ điều kiện này hoạt động công khai giữa “thanh thiên, bạch nhật”? Ai đã để người dân ở đây phải chịu khổ? Vấn đề trên cần được làm sáng tỏ.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục phản ánh!

Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu và Xây dựng Điện Biên được UBND tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) cho thuê đất tại các Quyết định 97, 99, 100/1999 với diện tích: 38.481,5m2. Mục đích sử dụng: Xây dựng trụ sở làm việc, nhà máy, khu khai thác đất nguyên liệu sản xuất gạch Tuynel. Thời hạn sử dụng đất: 20 năm.
Ngày 4/3/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên có thông báo với nội dung: Công ty không đủ điều kiện để được gia hạn quyền sử dụng thuê đất tại địa phận trên. 
Ngày 22/10/2020, ông Nguyễn Đăng Nam - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên có văn bản đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho phép công ty được gia hạn quyền sử dụng đất thuê 15.965m2 từ 3/2/2019 - 31/12/2022 nhưng không được UBND tỉnh Điện Biên chấp thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ