1. Giữa tròng đen của mắt chúng ta, tiếng Hán Việt gọi là đồng tử 童子, 瞳子, nghĩa đen là đứa bé. Không tin thử nhìn vào bất cứ mắt ai cũng thấy hình người be bé. Nằm giữa con mắt, ngay chính giữa tròng đen, tiếng Việt gọi là con ngươi. “Ngươi” là gì? Là người.
Con ngươi thật ra là con người. Tiếng Việt có các từ: dể ngươi, hổ ngươi.. và đại từ các ngươi, nhà ngươi. Tiếng Anh con ngươi gọi là pupil, có nghĩa đen cũng là đứa bé. Còn tiếng Pháp, con ngươi gọi là pupille có nghĩa đen là đứa trẻ mồ côi hoặc con nuôi. Nhiều ngôn ngữ khác cũng tương tự.
Có một danh từ xuất phát từ tiếng Nhật do một bộ phim nhiều tập du nhập vào Việt Nam thập niên 80 thế kỷ trước: ô sin. Thực ra đây là tên nhân vật chính trong bộ phim cùng tên, nhân vật ấy chính là người giúp việc.
Hiện nay ô sin qua tiếng Việt có nghĩa là người giúp việc. Trở lại từ O Shin tiếng Nhật, Hán âm là (阿信) A Tín, nghĩa là Cô Tín. Từ đây ta thấy âm Ô (Nhật), A (Hán) gần nghĩa với âm O (Tiếng Việt trong O du kích). Kể cũng thú vị.
2. Điều kỳ lạ là những bộ phận trên khuôn mặt hầu hết là những danh từ bắt đầu bằng phụ âm M: mặt, mắt, mày, mi, mí, mũi, má, môi, miệng, mồm, mép, màng tang...
Tương tự hầu như những từ chỉ mẹ đều bắt đầu bằng phụ âm M: mẹ, má, me, mế, (tiếng Việt), me (tiếng Khmer), mê (tiếng Lào), Mẫu 母, Mama 媽媽 (tiếng Hán cổ và hiện đại), mère, maman (tiếng Pháp), mother, mummy (tiếng Anh).
Ta biết rằng M là phụ âm môi, dễ phát âm nhất so với những phụ âm còn lại. Chính vì thế, bất cứ người mẹ nào trên thế giới, dạy con tiếng nói đầu đời, tiếng gọi người sinh thành ra mình bằng phụ âm môi M. Còn người mẹ Việt dạy con những bộ phận dễ nhìn thấy trên mặt người (thường là mẹ mình đầu tiên) bằng phụ âm M.
Trớ trêu thay! Có từ mi, có nghĩa khá lắc léo. Chữ “mi” trong “tu mi nam tử”, gốc từ Hán Việt có nghĩa là lông mày, còn từ mi thuần Việt lại có nghĩa là lông mi trên mí mắt!
3. Hai danh từ chỉ loại (có lúc gọi là loại từ) con và cái đôi khi có những hoán đổi hết sức kỳ lạ. Chúng ta biết rằng con đứng trước danh từ động vật, còn cái đứng trước đồ vật. Ví dụ: Con trâu, con bò, con cò... Cái bàn, cái ghế, cái ti vi...
Trong thực tế đôi khi có sự hoán đổi hết sức kỳ lạ:
- Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
- Con cò lặn lội bờ sông,
Cò ơi, sao lại quên công mẹ già?
- Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng hát nỉ non.
- Con cò lấp lé bụi tre,
Sao cò lại muốn lăm le vợ người?
Ở đây con cò giống như con chó, con mèo, hết sức bình thường.
Thế nhưng rất nhiều câu ca dao dùng “cái cò”:
- Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mầy giẫm lúa nhà ông hỡi cò?
- Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mờ mịt ai đưa cò về
- Cái cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng.
- Cái cò cái vạc cái nông
Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
Người viết sưu tầm được 15 câu ca dao có từ “con cò” và 20 câu có từ “cái cò”.
Tương tự, đáng lẽ gọi cá bống là con bống, nhưng ca dao thường dùng cái bống:
- Cái bống là cái bống bang
Khéo sẩy, khéo sàng cho mẹ bống thổi cơm.
- Cái bống đi chợ Cầu Canh
Cái tôm đi trước, củ hành đi sau.
Thời người viết còn là sinh viên Đại học Tổng hợp, 1980, nhà thơ Xuân Diệu thường vào trường nói chuyện với sinh viên. Người viết còn nhớ ông thường đọc hai câu thơ của Nguyễn Trãi:
- Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc
Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh.
Xuân Diệu cho rằng, Nguyễn Trãi dùng từ cái râu bạc nghe nó ngang tàng hơn, thay vì người thường sẽ viết: “Tuổi già, tóc bạc, chòm râu bạc” nghe đĩnh đạc hơn.
Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng, tiếng Việt thời Nguyễn Trãi, thế kỷ XIII chưa phân biệt con và cái. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi vẫn dùng từ “con am” , “con lều” thay vì “cái am”, “cái lều” và “cái râu” như đã nêu...
Hiện tượng những con vật thay vì dùng “con”, bị biến thành “cái” có ý kiến là sự hạ bậc thứ động vật thành đồ vật để làm cho câu chuyện thêm phần bi thương. Theo người viết là ý kiến chưa xác đáng.
Trong những câu ca dao dùng từ “cái cò”, “cái vạc”, “cái bống”... nó sống động như những câu chuyện đồng dao, ở đó cái cò, cái vạc, cái nông, cái bống... như cách gọi những đứa con gái trong làng. Nó giống như gọi cái Lan, cái Huệ... vậy. Đây chính là cách nhân hóa câu chuyện mà ca dao dùng từ cái làm thủ pháp.
Trong trường hợp sự vật biến thành đồ vật sau đây thì ý kiến trên có lý, nó làm câu chuyện bị đát hơn:
- Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non (Hồ Xuân Hương)
- Rằng hồng nhan từ thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (Kiều)
- Chém cha cái kiếp má đào
Cởi ra rồi lại buộc vào như không! (Kiều)
Sự vận động kỳ lạ của tiếng Việt có biết bao điều thú vị!