Tiếng lòng của người cha thay con gửi đến mái trường thân yêu

GD&TĐ - Ca khúc “Thắp lên ngọn đuốc sáng” được nhạc sĩ Lê Hải Đăng viết để tặng riêng cho con gái, cho ngôi trường THCS-THPT Đức Trí mà con theo học.

Nhạc sĩ Lê Hải Đăng (bên phải) trong một lần tham gia với vai trò khách mời nhà nghiên cứu âm nhạc.
Nhạc sĩ Lê Hải Đăng (bên phải) trong một lần tham gia với vai trò khách mời nhà nghiên cứu âm nhạc.

Âm nhạc như là hơi thở

Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, với  nhạc sĩ Lê Hải Đăng âm nhạc là hơi thở, là năng lượng để anh làm việc. Anh sáng tác nhiều nhưng chủ yếu những tác phẩm anh giữ cho riêng mình, ngâm nga  để thả lỏng tâm trạng những lúc thấy căng thẳng.

“Niềm vui đến trường của con gái mang lại cảm xúc rất lớn cho người cha như tôi. Nhìn ánh mắt con rực sáng niềm vui khi đến trường, ngời sáng niềm tin…tôi bỗng thấy mình hạnh phúc, thấy được lý tưởng tuổi trẻ mình từng có, và thế là nhịp đầu với 4 câu của ca khúc ra đời.

Tôi mất khoảng 2 tuần để hoàn thành tác phẩm, chỉnh sửa và làm nhạc. Người đầu tiên hát tác phẩm ấy chính là con gái tôi. Với tôi, tác phẩm là tiếng lòng người cha thay con gửi đến mái trường thân yêu”, nhạc sĩ Lê Hải Đăng cho biết.

Ca khúc “Thắp lên ngọn đuốc sáng”, tác phẩm dự giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường", được nhạc sĩ Lê Hải Đăng  viết để tặng riêng cho con gái, cho ngôi trường THCS-THPT Đức Trí mà con theo học. Biểu tượng của ngọn đuốc cháy sáng (Logo trường Đức Trí) cho anh nhiều cảm xúc khi lần đầu đến trường nhập học cho con. Và cứ thế, giai điệu và ca từ của ca khúc dần hiện ra trong đầu trên đường về nhà.

Với tác phẩm viết tặng con gái “Thắp lên ngọn đuốc sáng”, nhạc sĩ Hải Đăng cho biết anh cố tình viết theo nhịp điệu vừa phải và nhẹ nhàng, pha chút teen để phù hợp với độ tuổi. Đặc biệt, phần điệp khúc anh lồng ghép ca từ, ngữ điệu theo triết lý giáo dục của ngôi trường nơi con gái anh học.

“Ngoài việc thay con gái gửi gắm tình yêu thương cho ngôi trường mình đang theo học, tôi cũng muốn qua bài hát truyền đi thông điệp và lý tưởng tốt đẹp, ước mơ luôn cháy bỏng của tuổi trẻ, điều mà mọi học sinh đều luôn có cho riêng mình”, anh Đăng nói.

Nhạc sĩ Hải Đăng nhìn nhận những sáng tác về ca khúc học đường, cho giáo viên, học sinh thời gian trước được quan tâm rất tốt, nhiều sáng tác hay cho lứa tuổi học sinh, về thầy cô, mái trường đã ra đời.

Tuy nhiên, khi thị trường âm nhạc phát triển mạnh mẽ và bị cơ chế thị trường chi phối thì mảng âm nhạc và sáng tác này ít nhiều bị bỏ quên. Và cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" ra đời thật sự có ý nghĩa rất lớn.

“Thực tế, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều nhớ đến thầy cô của mình. Do đó, khi biết  thông tin về cuộc thi, mình quyết định tham gia để gửi đi thông điệp về một dòng nhạc cần phải được quan tâm và mở rộng”, nhạc sĩ Hải Đăng chia sẻ.

Nhạc sĩ Lê Hải Đăng.
Nhạc sĩ Lê Hải Đăng.

Nhà nghiên cứu về âm nhạc truyền thống

Ngoài việc sáng tác những tác phẩm cho riêng mình, nhạc sĩ Hải Đăng cũng thường xuyên sáng tác các tác phẩm theo yêu cầu. Đặc biệt, anh luôn có những sáng tác theo từng lứa tuổi của con mình để dành tặng cho ngôi trường con theo học, xem nó như một cột mốc, kỉ niệm gắn với tuổi thơ của con.

Do đi theo hướng nghiên cứu là chủ đạo nên các tác phẩm của anh phần nhiều không công bố rộng rãi ra ngoài công chúng. Ngoài tác phẩm “Thắp lên ngọn đuốc sáng”, anh còn có các tác phẩm khác được học sinh yêu thích như: “Trăng”, “Chúng em là nhà khoa học”, “Thầy cô và mái trường thân yêu”….

Nghe tác phẩm Thắp lên ngọn đuốc sáng (TẠI ĐÂY)

Anh có nhiều sáng tác đầy tính trải nghiệm và lắng đọng dành cho mình và bạn bè, như: Chiều xa vắng, Sóng, Gió, Chờ, Tìm nhau trong mơ, Thành phố khép sương mù, Dã quỳ vàng cuối thu, Nơi chỉ có hai mùa, Gửi trọn niềm tin…. 

Không chỉ là nhạc sĩ với nhiều sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi, Lê Hải Đăng  còn là nhà nghiên cứu và diễn giả nổi tiếng trong nghiên cứu âm nhạc của người Hoa, người K"ho, người S"tiêng, đặc biệt là  âm nhạc trong môi trường tín ngưỡng như nhạc lễ đình, hát sắc bùa, hát bóng rỗi, các loại hình diễn xướng dân gian Nam Bộ như hát ru, hò, lý...

Lê Hải Đăng cũng là người tham gia dàn dựng và tổ chức chương trình Tết người Việt đầu tiên ở thành phố Đài Trung năm 2019. Đây là sự kiện đánh dấu cho mối quan hệ sâu sắc giữa 2 quốc gia với nhiều hoạt động như trưng bày và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (múa rối nước, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, múa Chăm và Đờn ca Tài tử Nam Bộ).

Trước đó, năm 2017 anh cũng là người đầu tiên giới thiệu chương trình với chủ đề Âm nhạc truyền thống Việt Nam đa sắc màu lần đầu tiên tổ chức ở Phòng hòa nhạc Quốc gia Đài Bắc. Chương trình Sắc màu phương Nam diễn ra ở Phòng hòa nhạc, Nhạc viện TPHCM (2018) cũng do anh dàn dựng, giới thiệu.

Nhạc sĩ Lê Hải Đăng trong một lần hoạt động, tham gia dàn dựng chương trình tại Đài Loan.
Nhạc sĩ Lê Hải Đăng trong một lần hoạt động, tham gia dàn dựng chương trình tại Đài Loan.

“Với tôi âm nhạc truyền thống và tín ngưỡng có sức hút rất lớn. Khi đắm mình vào các giá trị văn hóa đậm chất riêng của từng dân tộc, tôi rất khó để dứt ra. Sức hút của âm nhạc nhạc lễ đình, hát sắc bùa, hát bóng rỗi, các loại hình diễn xướng dân gian Nam Bộ…thật sự thâm uyên và rất đời thực.

Âm nhạc của loại hình này ngoài việc mang đến cho người nghiên cứu cảm nhận, góc nhìn trực diện về cuộc sống của từng dân tộc, địa phương, vùng miền qua âm vực, bộ sắc, bộ thanh, còn giúp người nghiên cứu khám phá được nhiều giá trị cốt lõi của sự vận động”, anh Đăng chia sẻ.

Nhạc sĩ Lê Hải Đăng từng công tác và giữ vị trí Trưởng ban Văn hóa Cổ truyền, Trưởng ban Di sản Văn hóa – Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại TPHCM. Anh đã nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu dân ca, văn hóa nghệ thuật dân gian, truyền thống và được biết đến với tư cách là Nhà nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật; Là Ủy viên Hội đồng giao lưu văn hóa Đông Nam Á, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Đài Loan. Hiện anh được biết đến với vai trò một diễn giả, nhà nghiên cứu về văn hóa và âm nhạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ