Thùng nước lạnh
13/9/2016 là một ngày mưa to, gió lớn. Cơn bão số 6 đổ bộ vào miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Trong lúc nhiều cơ quan, đơn vị và người dân hối hả chống bão, tại huyện Cam Lộ diễn ra một cuộc họp quan trọng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Cuộc họp này do Sở TN&MT chủ trì với sự tham gia của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo chính quyền huyện Cam Lộ và các xã Cam Thành, Cam Tuyền, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Không khí có vẻ nghiêm trọng và mang tính chất nội bộ, khách mời bị hạn chế.
Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9, báo cáo: Doanh nghiệp đã mất đến... 1.000 ha rừng, trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ! Thông tin trên như một thùng nước lạnh khiến những người dự họp choáng váng. Ông Thái nói thêm: Tình trạng phá rừng không phải là tương đối nghiêm trọng mà rất nghiêm trọng!
Ông Nguyễn Thế Hiếu, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị, chủ trì cuộc họp, bình luận: Qua nghe báo cáo mà tôi thấy hoảng. Tình hình như thế là nghiêm trọng. Công ty Lâm nghiệp Đường 9 nên xem lại có phải rừng đã mất từ trước đến nay hay không. Chứ thất thoát 1.000 ha rừng là quá lớn và không thể mất trong một thời gian ngắn được!
Khi nói đến nguyên nhân mất rừng và đất rừng, ông Nguyễn Hồng Thái, sau khi đổ lỗi cho người dân lấn chiếm, cũng phải thừa nhận sự quản lý yếu kém của doanh nghiệp chủ rừng. Nghe đến đây, ông Nguyễn Thế Hiếu nhắc nhở và lưu ý: Liệu cán bộ, công nhân công ty có đồng lõa trong chuyện này? Công ty cần kiểm tra, rà soát để làm nghiêm thì mới có thể tính đến chuyện thu hồi đất rừng Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng. Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ tiếp lời: Công ty phải xem lại có sự tiếp tay của người trong công ty hay không? Phải làm nghiêm chuyện này thì mới mong thu hồi đất rừng mà người dân lấn chiếm.
Khi nghe những lời kêu ca của lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Đường 9 về việc mất rừng và đất rừng, đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ, ông Lê Văn Qúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị lúc ấy, khẳng định: Về nguyên tắc, mất rừng thì trước tiên chủ rừng - ở đây là Công ty Lâm nghiệp Đường 9 - phải chịu trách nhiệm, hơn nữa lại mất cả rừng phòng hộ. Theo tôi được biết, chỉ cần để mất 3.000 m2 rừng phòng hộ cũng đủ điều kiện xem xét khởi tố…
|
Chờ đến bao giờ?
Nhiều ngày sau đó, chúng tôi đã lặn lội đến các vùng đất rừng mà Công ty Lâm nghiệp Đường 9 cho rằng bị dân lấn chiếm. Tình hình lúc ấy khá căng thẳng, thậm chí đã xuất hiện một vài điểm nóng ở địa bàn huyện Cam Lộ. Chủ rừng cho xe ủi cây của bà con khiến nhiều người bức xúc, tỏ thái độ không nhượng bộ. Mâu thuẫn căng tới mức, cơ quan chức năng phải nhờ đến công an để vãn hồi trật tự.
Kể lại chuyện này, người dân xã Cam Thành cho chúng tôi xem clip quay cảnh xe ủi của công ty phá tan cây của các hộ trồng rừng. Ông Trần Văn Pháp, người dân trong xã, chất vấn: “Tôi hỏi các anh, đất này chúng tôi khai hoang phục hóa từ năm 1975, phải đối mặt với bom mìn sau chiến tranh, không biết sống chết lúc nào mới có được thành quả như hôm nay. Bây giờ Lâm trường Đường 9 đòi thu hồi của chúng tôi thì thử hỏi đúng hay sai? Làm gì thì làm, lâm trường cũng phải để cho dân chúng tôi sống với chứ?”.
Ông Trần Văn Dũng nói thêm: “Tiếng là dân rừng nhưng thiệt tình chúng tôi thiếu đất, phải qua phía Bắc sông Hiếu (thuộc huyện Cam Lộ - PV) tìm đất để khai hoang, rồi làm đường. Muốn có thu hoạch từ rừng trồng thì phải đầu tư công sức, phải vay mượn tiền. Nay nếu nói Nhà nước thu hồi thì khác nào úp nồi cơm của dân chúng tôi. Rừng của dân một phần, còn nhiều phần là của ai, có cán bộ hay đại gia không, Nhà nước cứ kiểm tra thì sẽ rõ”. 38 hộ dân khu vực Cam Phú, thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã viết đơn tập thể kêu cứu khẩn cấp, đề nghị chính quyền xem xét, tránh thu hồi đất của dân một cách máy móc, vì như vậy vừa oan, vừa thiệt cho dân.
Trước tình hình ấy, ngày 12/5/2017 ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT và chính quyền huyện Cam Lộ kiểm tra tình hình, báo cáo cụ thể để tỉnh xử lý, trong đó có việc xem xét trách nhiệm của chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Đường 9 do để mất 1.000 ha rừng.
Hơn một năm đã trôi qua, vẫn chưa có thông tin gì liên quan đến vụ việc này. Để xác định chừng ấy diện tích rừng bị mất, liệu có cần thời gian lâu đến như vậy không? Người dân Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung phải chờ đến bao giờ?
Kỳ 3: Trách nhiệm thuộc về ai?