Tiếng kêu cứu từ những cánh rừng Quảng Trị: “Phải xử lý nghiêm cho dù người vi phạm là ai”

GD&TĐ - Nhấn mạnh tỉnh Quảng Trị rất quan tâm đến tình trạng thất thoát rừng và đất rừng do Công ty Lâm nghiệp Đường 9 quản lý trên địa bàn huyện Cam Lộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định với Báo GD&TĐ: Quan điểm của tỉnh là phải xử lý nghiêm cho dù người vi phạm là ai hoặc là người nhà của ai đi nữa.

Phóng viên đang ghi nhận hình ảnh phá rừng tại vùng núi huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị
Phóng viên đang ghi nhận hình ảnh phá rừng tại vùng núi huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Nhiều bất cập

- Ông nhận định như thế nào về việc thất thoát 1.000 ha rừng và đất rừng theo báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Đường 9? Trách nhiệm chính thuộc về ai, thưa ông?

Công ty Lâm nghiệp Đường 9 được Nhà nước giao quản lý rừng và đất rừng, trong đó có địa bàn huyện Cam Lộ. Tuy nhiên, do công ty quản lý diện tích rộng, được cấp vốn ít, không đủ khả năng trồng rừng phủ kín đất được giao; công tác quản lý lại có phần lỏng lẻo trong khi người dân trên địa bàn có nhu cầu về đất sản xuất rất lớn nên xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng. Mặt khác, trước tình hình này, công ty cũng không có phương án kịp thời bàn giao đất rừng lại cho chính quyền địa phương quản lý và phân bổ cho các hộ có nhu cầu chính đáng về đất sản xuất. Điều này càng khiến tình hình quản lý rừng và đất rừng thêm khó khăn, phức tạp. Trên hồ sơ thì nhiều diện tích là đất của công ty nhưng thực tế lại không phải vậy. Để xảy ra mất rừng và đất rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Đường 9.

- Theo chúng tôi biết, câu chuyện mất rừng được báo cáo chính thức vào năm 2015 và Sở TN&MT đã chủ trì cuộc họp bàn vào tháng 9/2016 ở huyện Cam Lộ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý ban đầu. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Vấn đề này, theo tôi, không thể giải quyết một sớm một chiều. Trước hết phải rà soát lại tình hình thực tế. Tỉnh cần có báo cáo chính xác của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Cam Lộ và Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Các cơ quan chức năng phải xem xét những hộ nào, người nào xâm canh, xâm cư trái phép để buộc họ, sau khi khai thác, cam kết trả lại đất rừng cho Nhà nước. Vì thu hồi đất trống còn có phần đơn giản, nhưng nếu muốn thu hồi đất liên quan đến tài sản trên đất, cụ thể là rừng trồng thì phức tạp hơn nhiều vì phải quy chủ (xác định chủ rừng - PV) rõ ràng, cụ thể. Công việc này tốn khá nhiều thời gian. Sau khi tiến hành xong việc này thì sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.

- Bên cạnh việc một số hộ dân xâm lấn rừng, loạt bài điều tra của Báo GD&TĐ có đề cập một số đối tượng như người không sống ở Cam Lộ vẫn có đất rừng tại đây; CBCNV Công ty Lâm nghiệp Đường 9 xà xẻo khoảng 150 ha; hay thông tin không trung thực về khu vực quanh núi đá Tân Lâm… Trước những thông tin này, theo ông, tỉnh Quảng Trị cần phải làm gì, thưa ông?

Ngay sau khi có loạt bài trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Đường 9 kiểm tra và làm rõ nội dung báo đã phản ánh. Trường hợp đúng như vậy thì phối hợp với UBND huyện Cam Lộ xử lý nghiêm và báo cáo tình hình trong tháng 12/2018 cho UBND tỉnh. Vừa qua, UBND huyện Cam Lộ cũng đã báo cáo việc quy chủ cần có thêm thời gian để làm rõ. Còn khi đã quy chủ chính xác thì quan điểm của tỉnh là phải xử lý nghiêm cho dù người đó là ai hoặc là người nhà của ai đi nữa. Xin nhấn mạnh là tỉnh cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này. Ngay sau khi biết được tình hình, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo các ngành chức năng như Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, UBND huyện Cam Lộ và Công ty Lâm nghiệp Đường 9 xem xét vấn đề, để có phương án đề xuất tỉnh xử lý.

Hàng loạt cánh rừng chỉ còn trơ lại gốc
  • Hàng loạt cánh rừng chỉ còn trơ lại gốc

- Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại tiểu khu rừng phòng hộ 775 thuộc địa bàn xã Cam Thành đã có sự chuyển giao 25 ha đất rừng cho Công ty TNHH Minh Hưng quản lý và sử dụng. Việc chuyển giao này có dấu hiệu không đúng thẩm quyền. Trong trường hợp này cần phải làm gì để thực thi pháp luật, thưa ông?

Việc giao đất thì phải thực hiện nghiêm theo Luật Đất đai 2013. Còn nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ nếu dưới 20 ha thì phải được HĐND tỉnh phê duyệt, nếu trên 20 ha thì phải được cơ quan chức năng Trung ương đồng ý. Còn với việc giao đất cho Công ty Minh Hưng, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra thông tin này. Nếu việc giao đất không đúng thủ tục và trình tự thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Thưa ông, vừa qua trên địa bàn các huyện như Cam Lộ, Đa Krông, Hướng Hóa... đã có khởi tố một số vụ án hình sự với tội danh hủy hoại rừng. Việc này có tác dụng giáo dục pháp luật nhằm bảo vệ rừng. Tuy nhiên, dư luận cũng bức xúc vì cho rằng người dân xâm lấn vài nghìn mét vuông đất rừng có thể bị phạt tù và bị phạt tiền, vậy nếu một doanh nghiệp Nhà nước làm thất thoát 1.000 ha rừng trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ thì nên kiến nghị xử lý như thế nào mới tương xứng?

Vấn đề này như tôi đã trả lời ở trên là phải căn cứ vào số liệu của các cơ quan như Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Công ty Lâm nghiệp Đường 9, UBND huyện Cam Lộ rà soát cụ thể và đề xuất mới có thể xem xét xử lý. Nếu mất đất thì phải thu hồi đất và phải xử lý trách nhiệm quản lý, còn nếu mất rừng thì phải xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trước đây và Luật Lâm nghiệp hiện nay. Phải rà soát trên từng lâm phần, cái nào đúng, cái nào sai phải chỉ ra cụ thể. Nhưng dù thế nào cũng phải xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

- Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ