(GD&TĐ) - Tiếng kẻng vang lên giòn giã trong màn đêm tĩnh mịch, gác lại việc chơi đùa, các em học sinh đều ngay ngắn ngồi vào bàn học một cách nghiêm túc. Hơn 4 năm nay, “tiếng kẻng học tập” đã trở nên quen thuộc với các em học sinh và phụ huynh miền núi Kon Tum.
Tiếng kẻng thay đổi nhận thức
Chúng tôi đến thôn Nông Nội, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) khi mặt trời đã lui về sau núi để nghỉ ngơi qua một ngày dài làm công việc chiếu sáng cho mặt đất. Lần tìm, hỏi han mãi chúng tôi mới tới được tới nhà anh Xiêng Thanh Tin (dân tộc Giẻ Triêng), thôn trưởng thôn Nông Nội. Lúc này, anh Tin đang ăn vội chén cơm để chuẩn bị đến nhà Rông của làng đánh kẻng đến giờ học bài của các em học sinh. Theo chân trưởng thôn đến nhà Rông, đồng hồ điểm 19 giờ, anh Tin đánh liền 3 hồi kẻng vang vọng khắp đầu làng, cuối xóm, báo hiệu giờ học buổi tối bắt đầu.
Hoàn thành xong nhiệm vụ, anh Tin giải thích: “Hàng tối, đúng 19 giờ là đánh kẻng để các em vào học, đến 21 giờ đánh kẻng cho các em nghỉ. 4 liên hội trong thôn luôn luân phiên đánh kẻng, mỗi liên hội đánh một tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Thường việc kiểm tra giờ giấc học tập có Liên hội trưởng tổ chức đi đến tận nhà học sinh, không cho các em xem tivi trong giờ học. Đối với phụ huynh thì chúng tôi vận động nên hạn chế xem truyền hình và tổ chức nhậu nhẹt vào ban đêm tránh làm ảnh hưởng đến việc học của các em”.
Anh Xiêng Thanh Tin – thôn trưởng thôn Nông Nội đến nhà Rông đánh kẻng học bài điều đặn 19 giờ mỗi tối. |
Đăk Nông về đêm ánh điện sáng trưng, trong mỗi ngôi nhà các em học sinh đã ngồi ngay ngắn vào bàn, không khí huyên náo của buổi chiều tối biến mất tự lúc nào. Hai anh em Xiêng Thanh Ty (lớp 8) và Xiêng Thanh Tú (lớp 6, trường THCS Đăk Nông) đang chăm chú học bài trong góc học tập của riêng mình. Xiêng Thanh Ty bẽn lẽn: “Thường nhà em ăn cơm sớm để học bài đúng giờ. Ở đây, buổi tối mà đi chơi là bị bố mắng, ra ngoài cũng không có bạn để chơi. Em quen rồi, đến giờ không cần ai nhắc nhở thì 2 anh em cũng tự động ngồi vào bàn học”.
Nhiều năm trước, các thầy giáo ở đây vẫn còn nhiều trăn trở, việc thay đổi nhận thức về giáo dục cho học sinh và phụ huynh người đồng bào DTTS có lúc trở thành vô vọng. Các gia đình DTTS ở đây không quan trọng việc học hành của các em mà chỉ mong chúng nhanh lớn để lên nương, lên rẫy, phụ giúp bố mẹ kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình. Chính vì thế, Nhà trường và chính quyền đưa được các em đến với trường học đã là một nỗ lực, để các em tự học lại càng khó hơn. Nhưng bây giờ, các em đã hoàn toàn tự giác trong việc học bài ở nhà – điều khiến những người làm trong ngành giáo dục có tiếng thở phào nhẹ nhỏm.
Sáng kiến “Tiếng kẻng học tập” ở Ngọc Hồi đã tạo bước đột phá trong thay đổi nhận thức về học tập của học sinh người DTTS. Hiệu trưởng trường THCS Đăk Nông, ông Nguyễn Hương Tích tâm sự: “Xã Đăk Nông có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm hơn 90% nên công tác dạy học trên địa bàn rất khó khăn. Mô hình “Tiếng kẻng học tập” đi vào cuộc sống đã đưa thanh thiếu niên tập trung học tập, ít hẹn hò đi chơi nên tình trạng tảo hôn cũng không còn”.
“Tiếng kẻng học tập” đã tạo cho học sinh vùng cao thói quen tự học vào ban đêm. |
Điểm sáng của giáo dục vùng cao
Ông Trần Ngọc Lâm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi tự hào cho biết: “Sau khi thực hiện thí điểm “Tiếng kẻng học tập” tại xã Đăk Nông thành công, mô hình đã được triển khai sâu rộng trên toàn huyện. “Tiếng kẻng học tập” đã đưa học sinh vào khuôn khổ, tự học, tự làm bài tập và soạn bài trước ở nhà. Điều chúng tôi tâm đắc nhất là đã làm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về vấn đề học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Ngoài sự linh động của các cấp Ủy đảng, các đoàn thể, trưởng thôn, già làng đôn đốc việc học của học sinh, tại các xã biên giới như: Sa Loong, Đăk Dục, Bờ Y… các Đồn Biên phòng cũng quan tâm sâu sắc, phụ trách từng thôn làng, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện “Tiếng kẻng học tập”.
Ông Lưu Văn Cường, hiệu trưởng trường Tiểu học Đăk Nông chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình “Tiếng kẻng học tập” đến nay sĩ số học sinh luôn ổn định, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Trường vẫn thường xuyên tổ chức cho giáo viên cắm bản để kèm cặp và kiểm tra việc học của học sinh mỗi đêm. Ban đầu học theo nhóm có giáo viên hướng dẫn, khi đã vào nề nếp thì cho các em học lực khá giỏi kèm các em yếu hơn và khuyến khích các em tự học là chính. Năm 2009, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1”.
Vừa trên rẫy về, ông A Phol - trưởng thôn Gia Tun (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) tâm sự: “Trời mưa cũng phải xắn quần, rọi đèn pin đi đánh kẻng cho các cháu học đúng giờ. Nhiều đêm phải lặn lội đi cùng với chi bộ thôn đến từng nhà để kiểm tra việc học của học sinh, động viên phụ huynh có khi đến khuya mới về tới nhà, vất vả lắm. Những nhà xa thì phải lái xe máy đến tận nơi, việc này thì mình tự nguyện đi làm thôi, không có hỗ trợ gì”. A phol cho biết, tuy có mệt nhọc nhưng để cho các cháu biết cái chữ thì có khó khăn mấy cũng vui lòng.
Từ điểm sáng về mô hình “Tiếng kẻng học tập” tại huyện Ngọc Hồi, những năm gần đây Tỉnh Kon Tum đã nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.
Hương Sơn