(GD&TĐ) - Thông tin về hàng loạt các trường ĐH-CĐ ngoài công lập “khát” thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng đã không còn là điều bất ngờ đối với dư luận xã hội. Nhưng thông tin về một trường đại học có tầm trong khu vực, lại có bề dày đào tạo trên nửa thế kỷ ở mùa tuyển sinh năm nay rơi vào tình trạng khá nhiều ngành thừa nguồn tuyển, thiếu người học lại gần như là sự kiện nóng mà ngay cả những người trong cuộc phải suy ngẫm. Đó là thông tin tuyển sinh 2012 từ Đại học Huế.
Đại học Huế (ảnh MH: Internet) |
Việc một trường nhiều năm bị xếp ở tốp sau trong việc thu hút đầu vào như Trường ĐH Nông Lâm Huế, Đại học Khoa học Huế thì có thể dễ dàng lý giải nguyên nhân là do tâm lý thực dụng của xã hội trong lựa chọn ngành nghề. Điều đáng lưu tâm là ngay một số trường đại học thành viên khác như Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế cũng vẫn có rất nhiều ngành thiếu thí sinh trầm trọng, đã phải lấy ngang bằng điểm sàn theo quy định của Bộ, nhưng cho tới thời điểm này đã phải thông báo tới 944 nguyện vọng bổ sung cho đợt 3.
Câu hỏi nhất thiết phải đặt ra là, những yếu tố nào có tính chất quyết định trong thu hút thí sinh vào trường? Chắc chắn, các nhà quản lý giáo dục, những người làm chuyên môn thời nay sẽ nêu lên các yếu tố như: (1) ngành nghề dễ xin việc, thu nhập cao, (2) CSVC, trang thiết bị dạy học, (3) đội ngũ.
Ở yếu tố thứ nhất, ứng với các trường như ĐH Nông Lâm, ĐH Khoa học thì có thể cho rằng, thí sinh không chọn lựa do cho rằng học ở những trường này ra trường khó xin được việc làm, thu nhập thấp. Nhưng khó có thể giải thích vì sao các trường đại học luôn được xếp ở tốp nhất, nhì trong thu hút thí sinh với những ngành được coi là “thời thượng” như Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, Khoa Luật (ĐH Huế) mùa tuyển sinh 2012 lại thiếu thí sinh nộp hồ sơ vào trường? Trong khi đó, các trường thành viên ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa trực thuộc ĐH Đà Nẵng vẫn giữ được mức điểm chuẩn ngang ngửa như mùa tuyển sinh 2011. Chỉ cần dẫn ra một số ví dụ để minh chứng: trong khi tại Đại học Ngoại ngữ, một ngành tưởng như “hẹp” và non trẻ như ngành Tiếng Anh Tiểu học, nhà trường chỉ còn thông báo thiếu có 17 hồ sơ thì đã có tới 470 hồ sơ nộp đăng ký nguyện vọng 2 với số điểm khá cao. Ở các trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế của Đà Nẵng, nhiều ngành điểm chuẩn vào trường cao xuýt soát một số trường ĐH công lập có tên tuổi tại TP Hồ Chí Minh.
Một yếu tố khác được loại trừ nhanh chóng, đó là chất lượng đội ngũ. Khó có thể nghi ngờ được về chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường đại học trực thuộc ĐH Huế, khi tỷ lệ GS, PGS, TS được xếp vào tốp đầu của cả nước, với 170 GS,PGS (chưa kể 20 ứng viên đã có hồ sơ xét duyệt) và gần 400 TS. Có năm, kinh phí được cấp để nghiên cứu khoa học tại Đại học Huế lên tới 21 tỷ đồng, chỉ xếp sau Đại học Bách khoa Hà Nội (phân bổ trên cơ sở trình độ, thực lực của cán bộ nghiên cứu). Công tác đối ngoại của ĐH Huế được đánh giá cao với nhiều dự án, chương trình hợp tác, liên kết có giá trị. Nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo cấp quốc tế, quốc gia cũng đã được tổ chức thành công tại ĐH Huế những năm qua.
Còn lại yếu tố thứ ba ảnh hưởng trực tiếp tới tuyển sinh của ĐH Huế như đã nói trên, đó là CSVC, trang thiết bị dạy học. Xin được bàn tới yếu tố này như một nguy cơ, tiềm ẩn việc làm “hao mòn” thương hiệu của ĐH Huế. Hãy nhìn lại toàn cảnh của ĐH Huế để thấy CSVC chưa xứng tầm. Dự án Làng Đại học Huế có quy mô lớn và ra đời sớm trên 15 năm qua ở khu Trường bia được triển khai với tiến độ ì ạch, mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, do ách tắc trong đền bù giải tỏa, thiếu kinh phí, thiếu vốn đối ứng. Gánh chịu trực tiếp hậu quả này là các trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế Huế, Khoa Luật ĐH Huế. Đã có chuyện mới đây, một phụ huynh đưa con tới Trường ĐH Ngoại ngữ để nộp hồ sơ, chưa kịp tìm ra cổng vào ở đâu, nhìn quanh, nhìn quẩn thì thấy khung cảnh hoang sơ, ngổn ngang quá nên lập tức đổi ý định quay trở về. Một lãnh đạo của ĐH Huế đã rất có lý khi cho rằng: Trong tâm trí của những học sinh vừa rời mái trường phổ thông thì hình ảnh đẹp nhất là mái trường đại học cao vời vợi. Liệu những dãy nhà, khuôn viên, phòng học nghèo nàn như Đại học Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, Khoa Luật hay tạm bợ, thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng như Trường ĐH Nghệ thuật Huế có đủ sức thu hút các thí sinh vào trường hay không? Đấy là chưa kể khu túc xá của ĐH Huế ở Trường Bia thiếu các thiết chế cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày từ cây xanh, ghế đá, sân chơi tới các cửa hàng, tiệm ăn, quầy thuốc…Đường Nguyễn Khoa Chiêm, một trong những con đường chính dẫn đến khu KTX Trường Bia đầy những ổ voi, ổ gà; bụi mù mịt vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa, hệ thống điện chiếu sáng chưa hoàn chỉnh.
Trông người mà ngẫm đến ta? Không biết đội ngũ thầy cô giáo và các em SV trên vùng đất Cố đô có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, với những di sản nổi tiếng thế giới có ngậm ngùi trước thực trạng nói trên hay không? Xin được ghi lại một câu nói khá ấn tượng của PGS.TS Trần Văn Phước khi trao đổi với phóng viên Giáo dục và Thời đại: “Nếu cho tôi đầy đủ về CSVC, tôi sẽ làm được tất cả!”
Hồng Thúy