Đây là một nội dung tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo Nghị định này, việc tổ chức dạy học phải đảm bảo 5 điều kiện, đó là: Người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số; Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn; Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn và thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiếu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm; Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Người học được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định.
Hàng năm, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ dạy tiếng DTTS, được giao thêm biên chế giáo viên tương ứng với số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
Giáo viên giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Không áp dụng chế độ phụ cấp này đối với những người đã được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006.
Được biết, năm học 2008-2009, cả nước có 17 tỉnh, thành phố thực hiện việc dạy học tiếng DTTS trong trường phổ thông và có 1.223 giáo viên dạy tiếng DTTS, hầu hết đều là người DTTS.
Đan Thảo