Tiếng Anh cho trẻ mầm non: Tạo đà phát triển tư duy ngôn ngữ

GD&TĐ - Ngày 31/3, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo chính thức có hiệu lực.

Chơi mà học giúp trẻ làm quen với tiếng Anh ở Trường MN Eduplay.
Chơi mà học giúp trẻ làm quen với tiếng Anh ở Trường MN Eduplay.

Nhiều phụ huynh và các trường mầm non cho rằng, Thông tư đáp ứng yêu cầu thực tế và cũng có nhiều tiếc nuối khi còn nhiều trường chưa triển khai thực hiện được.

Cần thiết

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh cần thiết, sớm ngày nào tốt ngày đó. Thực tế, 3 - 5 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển ngôn ngữ. Nếu được tiếp cận với ngoại ngữ sớm giúp trẻ phát triển tốt hơn về ngôn ngữ, trí tuệ và các kỹ năng xã hội. Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực giúp các địa phương đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo hành lang pháp lý giúp quản lý, tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT), cho biết: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ nên được các chuyên gia gọi là thời kỳ “phát cảm ngôn ngữ”.  Điều này sẽ giúp trẻ thoải mái và thuận lợi trong việc tiếp cận với ngôn ngữ thứ hai (tiếng Anh) một cách tự nhiên giống như ngôn ngữ mẹ đẻ. Do đặc điểm thẩm thấu ngôn ngữ một cách tự nhiên, trẻ phát âm chuẩn ngôn ngữ như người bản địa. Về nguồn lực và điều kiện triển khai thực hiện, Thông tư 50 chỉ khuyến khích những cơ sở giáo dục có đủ điều kiện và nguồn lực và phụ huynh có nhu cầu mới tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Bà Phạm Minh Nguyệt – Giám đốc chuyên môn Trường MN Eduplay Hà Nội chia sẻ: Những phản xạ với kích thích lời nói (phản xạ ngôn ngữ) thường được hình thành nhanh hơn so với phản xạ với các kích thích trực tiếp. Việc học ngôn ngữ thứ 2 giúp tăng cường sự phát triển trí tuệ của trẻ nói chung, các kỹ năng ngôn ngữ được phát triển, lòng tự trọng và tự tin, tư duy và khả năng giải quyết vấn đề, năng lực toán học, đọc sớm, hiểu biết về văn hóa của trẻ được nâng cao. Nhu cầu làm quen với tiếng Anh cho trẻ với nhiều bậc phụ huynh hoàn toàn chính đáng. Vấn đề là chúng ta đáp ứng được đến đâu.

Giờ học của HS lớp 5 tuổi, Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh.
Giờ học của HS lớp 5 tuổi, Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh.

Làm sao xóa rào cản

Từ thực tế của một huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho rằng: Thực tiễn sôi động và nhu cầu học tiếng Anh của gia đình trẻ rất lớn, nhưng việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại địa phương còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do chưa có quy định pháp lý về việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh nên các địa phương không có căn cứ để thẩm định chương trình tài liệu, tổ chức, quản lý chất lượng. Thêm nữa, vấn đề biên chế giáo viên tiếng Anh ở các trường MN công lập không có. “Tôi cho rằng, Thông tư 50 ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý, giúp các địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện”, bà Hoàng Thị Oanh nhận định.

TS Phạm Xuân Phồn – Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm - Trường Đại học Vinh, chia sẻ: Nhu cầu cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ. Các bậc phụ huynh không tiếc thời gian, công sức, kinh phí để đầu tư cho con được làm quen với tiếng Anh  từ sớm, với mong muốn tạo tiền đề để sau này trẻ học tập tốt hơn, giúp trẻ tự tin, hòa nhập tốt trong môi trường xã hội toàn cầu hóa. Như ở Trường Thực hành Sư phạm có tới 85% học sinh có nhu cầu học tiếng Anh. Chúng tôi không khó khăn về cơ sở vật chất mà là thiếu giáo viên tiếng Anh. Hiện, trường hợp đồng với một trung tâm tiếng Anh dạy ngoài giờ học cho các cháu. Thông tư 50 có hiệu lực thi hành, trường sẽ cử GV đi học tiếng để dạy kiêm nhiệm.

Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng lõi của Tây Nam Bộ, nhu cầu học tiếng Anh của trẻ mầm non tập trung chủ yếu ở thành phố. TS Nguyễn Huy Thông – Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Trà Vinh thông tin: Các giờ học tiếng Anh được trường tổ chức nhẹ nhàng để học sinh làm quen. Thông tư 50 có hiệu lực thi hành, cái khó cần giải quyết không phải là cơ sở vật chất vì thực tế nhu cầu học tập trung ở khu vực đô thị, các trường MN đều chuẩn quốc gia, hạ tầng tốt. Tuy nhiên, chưa có biên chế giáo viên tiếng Anh, việc dạy học chủ yếu là hợp đồng ngoài trung tâm. Để có biên chế GV tiếng Anh cho trường MN tôi nghĩ là khó trong lúc này, nhưng huy động xã hội hóa, phụ huynh và nhà trường cùng làm là điều hoàn toàn hợp lý.

TS Nguyễn Ngọc Hiền – thành viên tiểu ban mầm non, Hội đồng GD phát triển nguồn nhân lực, cho rằng: Nhu cầu học tiếng Anh của trẻ MN rất lớn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nên có nơi thực hiện được, có nơi khó khăn. Thông tư 50 cũng chỉ rõ việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh không mang tính bắt buộc. Trẻ em học qua chơi, bài hát, bài thơ, câu chuyện nhẹ nhàng… những hoạt động luôn tạo cho trẻ cảm xúc tích cực. Điều này giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái khi tham gia vào các lớp học ngôn ngữ. Tiếng Anh sẽ đến với trẻ một cách tự nhiên giống như khi trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ