Sự ra đời của Trường THPT Nguyễn Trãi là một thành công
Ông Phạm Văn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên chia sẻ, huyện rất trăn trở việc giải quyết vấn đề chuyển Trường THPT Tiên Yên sang THPT Nguyễn Trãi. Năm 2006, sự thành lập của Trường THPT Nguyễn Trãi là một thành công lớn. Giai đoạn 10 năm (2006 - 2016), Trường THPT Nguyễn Trãi đã đóng góp lớn cho sự phát triển của giáo dục huyện nhà.
Trước thực trạng, quỹ đất dành cho giáo dục tại địa phương không còn, trong khi Trường THCS Tiên Yên chỉ có 3.900 m2 với 545 học sinh. Học sinh sẽ tăng theo từng năm học, nếu không bố trí thêm diện tích, trường không đủ điều kiện để công nhận lại chuẩn quốc gia giai đoạn 1, tiến tới làm chuẩn giai đoạn 2. Vì thế, phương án chuyển Trường THPT Tiên Yên vốn đã cũ nát, xập xệ sang Trường THPT Nguyễn Trãi khang trang, hiện đại để dành quỹ đất cho THCS Tiên Yên là hợp lý.
Năm 2018, Quảng Ninh có đề án cơ cấu lại hệ thống giáo dục phổ thông ở huyện Tiên Yên theo hướng dồn dịch, sắp xếp, quy hoạch lại quỹ đất sử dụng trong các trường học để xây dựng trường sở khang trang. Tỉnh có chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Trãi mở rộng trường sở, xây thêm phòng học và các hạng mục sư phạm đi kèm.
Ngày 17/1/2019, Sở GD&ĐT có Tờ trình số 205/TTr-SGDĐT trình UBND tỉnh phương án thuê cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Trãi phục vụ Trường THPT Tiên Yên đến tổ chức giảng dạy học tập. Theo đó, ngày 25/1/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 605/UBND-GD đồng ý với tờ trình nói trên của Sở GD&ĐT.
Ngày 8/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 896/QĐ-UBND thuê 4.797m2 công trình xây dựng hoàn chỉnh của Trường THPT Nguyễn Trãi giao cho Trường THPT Tiên Yên thuê có thời hạn, giá thuê ổn định trong 10 năm đầu là 2,281 tỷ đồng/năm. Chủ đầu tư còn có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng công trình xây dựng... trong khi Trường THPT Tiên Yên mỗi năm ngân sách Nhà nước phải cấp trên dưới 1,5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ.
Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh là đúng đắn, không chỉ có giá trị quy hoạch sử dụng quỹ đất hợp lý cho nhà trường ở huyện Tiên Yên, còn là bài toán kinh tế phù hợp với phương châm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng trường sở.
Khi thực hiện Quyết định số 896/QĐ-UBND đã vấp phải sự phản đối của một số phụ huynh học sinh vì sợ con em mất quyền lợi trường công lập. Đến nay, dù đã đầu tư trên 24 tỷ xây mới nhiều hạng mục, gần 10 tỷ mua xe ô tô đưa đón học sinh, Trường THPT Nguyễn Trãi hiện rơi vào tình trạng thừa phòng học, thiếu học trò, lãng phí nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách.
Hài hoà chỉ tiêu tuyển sinh vì sự phát triển chung
Nêu quan điểm về việc này, bà Nguyễn Thị Mây, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên chia sẻ, Tiên Yên là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn rất nhiều khó khăn. Điều kiện sống của nhân dân không đồng đều, trong khi học ngoài công lập học sinh phải đóng học phí cao hơn các trường công lập và trung tâm GDNN-GDTX. Thêm vào đó, công tác phân luồng sau THCS, nhiều phụ huynh chọn cho con học nghề.
Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn không nhiều nhưng hàng năm ngành Giáo dục địa phương rất đau đầu trong vấn đề phân luồng tuyển sinh. Tiên Yên đang đứng trước bài toán khó.
Nhà đầu tư Trường THPT Nguyễn Trãi khá vững vàng, bản lĩnh chèo lái hoạt động giáo dục của nhà trường. Họ không chỉ tích cực tuyển sinh trong địa phương mà cố gắng tuyển sinh ngoài huyện, ngoài tỉnh để duy trì.
Trong khi chờ đợi sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra hướng giải quyết tích cực về sự việc trên. Theo Phó Chủ tịch Phạm Văn Hoài, năm 2022 dự kiến số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn lên tới hơn 700 em, chỉ tiêu tuyển sinh THPT sẽ được phân bổ hài hoà.
Hơn nữa, tương lai khi đề án quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp tại Tiên Yên được UBND tỉnh phê duyệt sẽ thu hút đầu tư, dân số cơ học tăng lên, nguồn tuyển sinh của các trường sẽ tăng lên.
Một thuận lợi nữa, đó là nhiều học sinh từng theo học tại Trường THPT Lê Lợi (huyện Đầm Hà) sau khi nhà trường giải thể đã chọn THPT Nguyễn Trãi để theo học.
Ông Hoài cho rằng, sự đóng góp của THPT Nguyễn Trãi cho giáo dục Tiên Yên đáng ghi nhận. Vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhà trường tập trung xây dựng chất lượng, thương hiệu với lớp chất lượng cao để vững bước phát triển.
Một cựu giáo chức từng công tác trong ngành Giáo dục huyện Tiên Yên chia sẻ, chính sách xã hội kêu gọi nhà đầu tư cho sự phát triển giáo dục là đúng đắn. Nhưng tại Tiên Yên, một huyện miền núi khó khăn, việc chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi và duy trì hoạt động trường công lập sẽ thuận lợi hơn cho người dân khi mức thu nhập của họ còn hạn chế, giải quyết được bài toán lãng phí nguồn nhân lực xã hội.