Tiền trợ cấp thai sản được tính thế nào?

Bà Hà Kim Chi làm giáo viên mầm non công lập được 4 năm. Bà Chi nghỉ thai sản từ 1/12/2013 đến 1/6/2014. Bà không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ, từ 1/6/2013 đến 30/9/2013 hưởng hệ số lương 2,1; từ 1/10/2013 - 30/11/2013, hệ số lương 2,67. Bà Chi hỏi, tiền trợ cấp thai sản của bà được tính thế nào?

Tiền trợ cấp thai sản được tính thế nào?

Trợ cấp thai sản trên mức lương nào? Cách tính trợ cấp thai sản Chế độ thai sản đối với giáo viên Mức hưởng chế độ thai sản

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Chi như sau:

Theo khoản 1, Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.

Về chế độ thai sản, khoản 1, khoản 2 Điều 157 Bộ Luật Lao động quy định: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

Theo khoản 1, Điều 35 Luật BHXH, lao động nữ hưởng chế độ sinh con với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Về trợ cấp một lần khi sinh, Điều 34 Luật BHXH quy định, lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Theo Mục III Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH bổ sung khoản 8 vào Mục II chế độ thai sản Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH thì trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH được tính theo mức lương tối thiểu chung tại tháng người lao động sinh con.

Theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP , mức lương tối thiểu chung áp dụng kể từ ngày 1/5/2012 là 1.050.000 đồng/tháng.

Theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP , mức lương cơ sở áp dụng kể từ ngày 1/7/2013 là 1.150.000 đồng. Nghị định số 66/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 31/2012/NĐ-CP về lương tối thiểu chung.

Tại khoản 8, Điều 3 Thông tư số 13/2013/TT-BLĐTBXH quy định, mức lương tối thiểu chung làm căn cứ tính đóng và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH từ ngày 1/7/2013 được tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định là 1.150.000 đồng

Trường hợp bà Hà Kim Chi là giáo viên mầm non công lập mới được 4 năm, theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP bà chưa đủ điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP , trường hợp bà Chi không giữ chức vụ do bầu cử hay bổ nhiệm nên không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Căn cứ thông tin bà Chi cung cấp về hệ số bậc lương của bà tại từng thời điểm, thì bà Chi có bình quân tiền lương đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc sinh con như sau:

(1 tháng x 1.050.000 đ x 2,1 ) + (3 tháng x 1.150.000 đ x 2,1) + (2 tháng x 1.150.000 đ x 2,67)/ 6 tháng = 2.598.500 đồng

Căn cứ khoản 1, Điều 157 Bộ luật Lao động và khoản 1, Điều 35 Luật BHXH, bà Chi được hưởng chế độ nghỉ sinh con 6 tháng, mỗi tháng được hưởng 2.598.500 đồng.

Cùng với đó, bà được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ sở tại thời điểm sinh con: 1.150.000 đồng x 2 tháng = 2.300.000 đồng (theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH và Mục 3, Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH)

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.