Với chuyên môn về toán học, tư duy và logic khoa học cùng sự sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, TS Nguyễn Việt Anh được rất nhiều các công ty tại Pháp “chào đón” với mức lương khủng.
Tuy nhiên, chàng trai Hà Thành luôn xác định: “Tôi thấy bản thân mình chỉ có hai con đường theo đuổi, thứ nhất là nghiên cứu một chủ đề nào đó chuyên sâu về toán thì tôi sẽ lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc; hai là về Việt Nam làm một điều gì đó, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, tôi cảm thấy lựa chọn thứ nhất không phù hợp với khả năng và hoài bão của mình, trong khi đó ở Việt Nam có quá nhiều việc cần làm”.
Vì vậy, đầu năm 2018, Việt Anh quay trở về nước và chọn Trường ĐHBK Hà Nội là điểm khởi đầu cho hành trình thực hiện ước mơ.
Thạc sĩ Vật lý nhưng lại bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học
Là tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ, Việt Anh thừa nhận mình có một chút năng khiếu về lĩnh vực toán học. Anh kể: “Khoảng năm 4 tuổi, tôi có thể cộng được số có ba chữ số mặc dù chưa qua một trường lớp nào. Nếu như tuổi thơ của nhiều bạn gắn với các trò chơi giải trí thì tôi lại thích xem phim khoa học, thích đọc sách và luôn đặt ra những câu hỏi tại sao lại có hiện tượng này, hiện tượng kia rồi tự đi tìm câu trả lời qua sách báo và mạng internet”.
Việc theo đuổi, yêu thích toán học như một lẽ tự nhiên, vì vậy, sau khi học xong chuyên Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Anh đã thi đỗ vào lớp Kỹ sư tài năng Toán – Tin K53, Trường ĐHBK Hà Nội.
Bước sang năm thứ hai đại học, Việt Anh tình cờ đọc được thông tin học bổng của các trường đại học nổi tiếng của Pháp như Trường ĐH Bách khoa Paris và Trường ĐH Sư phạm Paris. Đây là hai trường có bề dày truyền thống, khá nổi tiếng, đặc biệt là về toán học.
Bảo lưu kết quả học tập và quyết tâm giành học bổng du học, Việt Anh ở nhà ôn luyện thay vì đến các trung tâm. “Đây có lẽ là thời gian tôi thực sự rèn luyện tính độc lập của mình. Việc không có ai quản lý mà mình phải thức dậy đúng giờ mỗi ngày, ngồi vào bàn và hoàn thành khối lượng công việc dự tính trước là một điều không hề dễ dàng. Quyết tâm giành học bổng, tôi luôn nỗ lực và nghiêm khắc với bản thân, cuối cùng tôi đã đỗ Trường ĐH Bách khoa Paris và sang Pháp học tập từ tháng 01/2011” – Việt Anh nhớ lại.
Thời gian đầu ở Pháp, Việt Anh bị “sốc” vì hai nền văn hóa khác nhau. Nhưng rồi với sự tự lập được rèn luyện từ nhỏ nênViệt Anh nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Hoàn thành xong chương trình đại học, chàng trai sinh năm 1990 học tiếp lên chương trình thạc sĩ chuyên ngành vật lý lý thuyết bởi vì lý do duy nhất lúc đó thực sự muốn giải thích được tận gốc những hiện tượng cơ bản nhất của tự nhiên: như vật chất cấu tạo thế nào, vũ trụ được hình thành ra sao,...
Học xong thạc sĩ vật lý, anh nhận thấy ngành này quá sức với bản thân mình. Đó cũng là lý do, Việt Anh quay trở lại làm luận án tiến sĩ về toán học.
Bên cạnh toán và khoa học thì những câu hỏi căn bản đậm tính triết lý về cuộc sống luôn làm Việt Anh cực kì quan tâm (khi chọn đại học, anh đã thực sự trăn trở giữa toán và khoa học hay triết học và các môn nhân văn).
Những câu hỏi như “thế nào là một cuộc sống tốt”, “đạo đức là gì”, “ tình yêu là gì”, “mối quan hệ giữa mình với người khác nên như thế nào”,... luôn là đề tài “nghiên cứu” thường trực của anh. Một trong những niềm vui lớn nhất của anh là đàm luận về những câu hỏi này, đặc biệt là với những người trẻ hơn mình.
Cuốn hút sinh viên vào bài giảng toán khô khan
Được làm việc tại chính ngôi trường mình đã học tập, TS Việt Anh càng tự hào và luôn nỗ lực cho công việc của mình. Bản thân TS cũng đã từng đứng lớp, giảng dạy đại cương cho sinh viên năm nhất và năm hai các ngành Toán, Lý, Hóa, Tin, Sinh, Kinh tế tại Trường Đại học Tổng hợp Angers - nơi anh làm tiến sĩ.
Kinh nghiệm có được ở nước ngoài đã giúp giảng viên trẻ Nguyễn Việt Anh tự tin nhiều khi lần đầu đứng trên bục giảng tại ĐHBK Hà Nội.
Theo TS Việt Anh, để cuốn hút sinh viên vào bài giảng, ngoài việc chuẩn bị kỹ lượng nội dung bài thì bản thân người thầy cần sử dụng cả ngôn ngữ hình thể, điệu bộ và giọng nói. “Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, tôi luôn cập nhật những kiến thức mới, bài giảng hay, phương pháp khoa học để truyền đạt kiến thức đến sinh viên”, TS Việt Anh nói.
Toán học vốn bị hiểu nhầm là môn khô khan, nhiều công thức, chữ số, vì vậy, trong bài giảng, TS Việt Anh luôn đưa ra các ví dụ thực tế để giúp sinh viên tiếp thu bài nhanh chóng, nắm chắc kiến thức ngay trên giảng đường.
“Thầy Việt Anh là giảng viên trẻ nên giữa thầy và trò không có khoảng cách, giống như một người anh trai, thế nên, gặp bất kỳ vấn đề gì không hiểu, chúng em đều chủ động hỏi lại và được thầy nhiệt tình giải đáp kể cả ở trên lớp hay ở nhà.
Thầy Việt Anh không chỉ dạy về kiến thức chuyên môn mà còn dạy cả về cách sống, hay nói cách khác thầy chia sẽ cho chúng em những vấn đề mà sinh viên thắc mắc về cuộc sống bên ngoài như: Bạn có nên yêu ở đại học? Những điều mà bạn cần hoạch định cho tương lai của mình? Làm thế nào để luôn giữ được đam mê của bản thân mình?...”, sinh viên Nguyễn Văn Huấn – lớp KTMT 03 K62 chia sẻ.
Ngoài công tác giảng dạy, TS Việt Anh còn tham gia nghiên cứu khoa học. Hiện TS Việt Anh đang tập trung vào hướng nghiên cứu “Những phương pháp xác suất trong tổ hợp hiện đại”.
Giải thích về lý do chọn hướng nghiên cứu này, TS Nguyễn Việt Anh cho biết: “Trong toán có sự phân hóa từ những lĩnh vực siêu trừu tượng đến những lĩnh vực cụ thể. Tổ hợp và xác suất nghiêng về phía cụ thể. Với sự phát triển của tin học, tổ hợp và xác suất trở nên cực kì quan trọng. Sinh viên tin học nghiêm túc nào bây giờ cũng phải nắm vững những kiến thức cơ bản, và thường xuyên cả những kiến thức chuyên sâu của hai lĩnh vực này”.
Phía trước đối với TS Nguyễn Việt Anh là cả một con đường dài trong sự nghiệp trồng người, anh quan niệm, “nghề nào cũng có những áp lực riêng, vấn đề ở chỗ, bạn có đam mê với nghề, dám dấn thân và muốn được cống hiến... thì nghề sẽ chẳng phụ người”.
Với đa số người theo nghề giáo, thành công, niềm vui hạnh phúc đâu có thể tính ở giá trị vật chất mà có lẽ chỉ đơn giản là được chắp cánh, được chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ sinh viên mình dạy dỗ.