Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Thầy cô là nhà giáo dục, không phải thợ dạy

GD&TĐ - Nhà giáo là một trong hai chủ thể quan trọng của hoạt động dạy - học, giáo dục – đào tạo và là chủ thể quan trọng nhất, quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Làm thế nào để trường sư phạm thu hút được học sinh giỏi, từ đó cung cấp cho ngành những nhà giáo chất lượng là nội dung TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT),  phân tích cụ thể trong cuộc trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại.

Vị thế có sự thay đổi

- Khoản 2 Điều 66, Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh”. Thực tế, sự ghi nhận đã thật sự xứng đáng chưa, thưa ông?

- Đúng là vai trò của nhà giáo trong Luật Giáo dục năm 2019 đã được khẳng định một cách rõ ràng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định nhà giáo không phải là thợ dạy mà phải là nhà giáo dục, như vậy vị thế của nhà giáo đã được nâng tầm.

Trong Luật Giáo dục, trình độ chuẩn của giáo viên cũng được nâng lên.

Đấy là điều mà chúng ta hướng tới. Còn hiện tại, rõ ràng sự ghi nhận thật sự chưa tương xứng, điều đó thể hiện ở việc thời gian vừa qua có những giáo viên đã bỏ nghề, sinh viên cũng không mặn mà với ngành sư phạm. 

- Quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học được đưa vào Luật Giáo dục năm 2019. Ý kiến của Tiến sĩ về vấn đề này?

- Có thể thấy, quy định này để khuyến khích mọi người đi theo nghề giáo. Lâu nay, sinh viên sư phạm vẫn không phải đóng học phí, nhưng, tại sao các em không thích sư phạm? Nguyên nhân chính do tương lai của nghề sư phạm rất mong manh.

Sư phạm là một ngành hay, hấp dẫn, trước đây khi chúng ta có những chính sách thay đổi về lương, đối tượng giáo viên… điểm đầu vào một số ngành học của sư phạm rất cao. Tuy nhiên, hiện điểm đầu vào cao lại tập trung ở ngành công an, quân đội là bởi ngành này ra trường có việc làm, chế độ đãi ngộ tốt. 

Trở lại quy định của Luật Giáo dục, sinh viên được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành Giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ.

Theo tôi, quy định này cần làm rõ khi đi vào cuộc sống, bởi sau hai năm được phân công công việc nếu các em không làm mới phải bồi hoàn, còn nếu các em không xin được việc làm trong ngành Giáo dục lại là chuyện khác.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương

- Theo Tiến sĩ, đâu là nguyên nhân của thực trạng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm? Chúng ta phải làm gì để giải quyết tình trạng này? 

- Trước đây, sinh viên khi vào trường, học giáo dục đại cương ở giai đoạn 1, sau đó giai đoạn 2 mới phân theo ngành nghề. Còn bây giờ đã vào sư phạm phải theo sư phạm, nếu vậy cơ chế lại phải khác.

Chỉ tiêu phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, tránh tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, dẫn đến các em phải làm lao động giản đơn, thu nhập thấp.

Rõ ràng, chúng ta cần phải xem lại chính sách phát triển, nếu định hướng ngay từ đầu vào sư phạm  phải gắn liền với chỉ tiêu và đơn đặt hàng. Nhưng ai là người đặt hàng phải có câu trả lời.

Từ trước đến nay, trong ngành sư phạm, đặt hàng là một đơn vị, tuyển dụng lại là đơn vị khác, cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm. 

Ở đây, chúng ta nên nhìn nhận rõ vấn đề: Người biết rõ nhất nhu cầu về giáo viên của địa phương chính là lãnh đạo địa phương, do đó phải gắn trách nhiệm đào tạo cho chính quyền địa phương.

- Để có thể tuyển được người tài vào sư phạm, chúng ta cần phải có thêm những chính sách gì?

- Như trên tôi đã nói, chính sách đầu tiên phải bảo đảm chắc chắn cho sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Thứ hai, chúng ta phải nâng dần chế độ đãi ngộ với giáo viên.

Tuy nhiên, việc nâng này không phải là nâng đột biến, nhưng cũng không thể quá chậm. Như vậy, học sinh khá giỏi sẽ vào sư phạm bởi chắc chắn có việc làm và thu nhập cũng không đến nỗi nào.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên thay đổi quy trình tuyển giáo viên. Đó là tuyển sinh viên có kết quả học tập tốt ở các ngành như Toán, Lý, Hóa, ngành về cơ khí, chăn nuôi, trồng trọt… chứ không phải sinh viên học ngành sư phạm.

Tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm cho họ (ở các nước đào tạo trong khoảng 1 năm).

Như vậy sẽ đỡ mất chi phí hỗ trợ cho họ trong quá trình học đại học mà chỉ mất chi phí đào tạo trong một khoảng thời gian ngắn. Theo tôi, đây là phương án ít tốn kém mà lại chọn được người tài vào sư phạm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các địa phương đều có trường cao đẳng, khoa sư phạm các trường ĐH nên việc đào tạo giáo viên MN, tiểu học và cả giáo viên THCS nên giao cho địa phương quản lý, từ việc giao nhiệm vụ, đến việc phân bổ chỉ tiêu cho từng trường, cơ sở giáo dục trong tỉnh.
Như vậy, sinh viên ra trường thừa, trách nhiệm sẽ thuộc về lãnh đạo địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo bảo đảm chiến lược sư phạm, chất lượng chương trình chứ không làm nhiệm vụ phân bổ giáo viên.
Nếu chúng ta làm được như vậy sẽ giải quyết được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.