Tiên phong ngừng tiêm vắc-xin

GD&TĐ - Ủy ban Y tế Quốc gia Đan Mạch ngày 28/4 cho biết, sẽ sớm ngừng chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 cho toàn dân, do tình hình dịch bệnh tại quốc gia Bắc Âu này đã được kiểm soát gần như hoàn toàn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cơ quan phụ trách y tế Đan Mạch giải thích thêm rằng, khi mùa xuân đến, điều kiện thời tiết đã thuận lợi trong việc ngăn virus phát triển hơn so với mùa đông, cộng với tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong dân số cao hàng đầu thế giới nên dịch Covid-19 đã được khống chế. Do đó đây được coi là đã đến lúc Đan Mạch kết thúc chương trình tiêm chủng mở rộng, vốn được thực hiện suốt hơn một năm qua.

Theo đó, người dân Đan Mạch sẽ không bắt buộc phải đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 kể từ ngày 15/5 tới. Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng chống đại dịch của nước này đã được bắt đầu ngay sau lễ Giáng sinh năm 2020.

Trong tổng dân số khoảng 5,8 triệu người của Đan Mạch, tính đến đầu tháng 4/2022 đã có 4,8 triệu người được tiêm chủng đầy đủ (chiếm 82% dân số), và hơn 3,6 triệu người được tiêm liều vắc-xin tăng cường mũi thứ ba trở lên (chiếm 61,7% dân số).

Ngoài ra theo thống kê, với số lượng lớn những người mắc Covid-19 kể từ khi biến chủng Omicron trở thành dòng virus chiếm ưu thế, Đan Mạch cũng đã đạt mức độ miễn dịch trong dân số cao. Ông Bolette Soborg, đại diện của Ủy ban Y tế Quốc gia Đan Mạch, thông báo việc nước này đang kiểm soát tốt dịch bệnh và tỷ lệ nhập viện do Covid-19 đang ngày càng giảm xuống ổn định.

Đây chính là lý do Đan Mạch chuẩn bị kết thúc chương trình tiêm vắc-xin đại trà chống Covid-19 và trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới thực hiện quyết định này. Đây cũng sẽ trở thành mô hình tham khảo cho các nước khác có tỷ lệ tiêm chủng cao và tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt tương tự.

Tuy nhiên, giới chức Đan Mạch cũng nhấn mạnh rằng, người dân nước này vẫn có thể đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong suốt mùa xuân và mùa hè này nếu họ mong muốn và các điểm tiêm chủng vẫn sẽ mở trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành y tế Đan Mạch cũng tiếp tục khuyến nghị tiêm vắc-xin cho những người có nguy cơ cao mắc Covid-19, như những người trên 40 tuổi và phụ nữ mang thai chưa được tiêm mũi nào.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế và Dược phẩm Đan Mạch cũng nhận định sẽ phải mất một thời gian nữa nước này mới có thể chấm dứt hoàn toàn chương trình tiêm chủng. Nguyên nhân vì nhiều người vẫn sẽ cần phải tiêm vắc-xin mũi tăng cường vào mùa thu tới, khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Ngoài ra, cơ quan y tế Đan Mạch cũng sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và sẵn sàng cho tái khởi động các chương trình tiêm chủng đại trà, nếu chính phủ yêu cầu tiêm bổ sung cho các nhóm đối tượng trước mùa thu. Các chuyên gia y tế Đan Mạch đang lên kế hoạch xem xét khi nào và đối tượng nào nên tiêm vắc-xin và sử dụng loại vắc-xin nào trong bối cảnh đó.

Động thái đình chỉ chương trình tiêm chủng đại trà sắp tới của Đan Mạch diễn ra trong bối cảnh tình hình Covid-19 trên khắp thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Các quốc gia châu Âu và Mỹ hiện đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế dịch bệnh để mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc vẫn đang thực thi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, trong đó áp lệnh phong tỏa các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.