Tiên Lãng (Hải Phòng): Ngang nhiên “xẻ thịt” hồ điều hòa?

GD&TĐ - 7ha đất hồ tự nhiên của làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) bị Ban vận động làng ngăn dòng, đắp bờ phân thành 23 chiếc ao lớn, nhỏ cho các hộ dân thuê khoán đã hơn chục năm qua. Chỉ đến khi UBND huyện Tiên Lãng có chủ trương quy hoạch quản lý, sử dụng đất, nguồn nước tại khu này thì những sai phạm trên mới lộ rõ.

Con mương nối liền với 7ha đầm, chạy dọc 6 khu của làng Mỹ Lộc sẽ được tính toán quy hoạch khu dân cư
Con mương nối liền với 7ha đầm, chạy dọc 6 khu của làng Mỹ Lộc sẽ được tính toán quy hoạch khu dân cư

“Hô biến” hồ thành đầm thủy sản

19 hộ dân thầu khoán đầm thủy sản tại làng Mỹ Lộc phản ánh: Ngày 1/6/2004, Ban vận động làng Mỹ Lộc, đại diện là ông Cao Văn Dự, Trưởng làng và ông Phạm Văn Gót, Phó làng (hiện ông Gót là Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng) đứng ra ký hợp đồng đấu thầu vùng nuôi trồng thủy sản khu vực đầm làng cho 23 hộ dân. Định mức thu phí thuê thầu được Ban vận động làng đưa ra là 100.000 đồng/sào/năm cho 3 năm đầu; từ năm thứ tư, làng sẽ điều chỉnh mức khoán cho phù hợp. Những hợp đồng thuê thầu này có hiệu lực từ ngày 1/6/2004 - 30/12/2013. Mặt khác, ngoài tiền đóng hàng năm, các hộ phải trả cho Ban vận động làng khoản phí thuê HTX đứng ra đắp bờ, ngăn đầm là 800.000 đồng/sào.

Ông Phạm Xuân Bật, người dân làng Mỹ Lộc, bức xúc: Chúng tôi được làng cho thuê diện tích đầm trên để chăn nuôi thủy sản ổn định hơn chục năm nay. Chúng tôi phải trả tiền đắp bờ, nậm cho làng, phải trả phí nuôi trồng, phương tiện đánh bắt hàng năm lên tới vài chục triệu đồng. Nhiều gia đình trông chờ vào mùa thu hoạch thủy sản để nuôi con cái ăn học. Nay làng thanh lý hợp đồng lấy lại diện tích trên không có lý do rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn.

Hợp đầu thầu khoán nuôi thả thủy sản đã được ký lại lần 2 từ 1/1/2014 với thời hạn 5 năm. Mức khoán được tính là 300.000 đồng/sào/năm. Khi kí hợp đồng, hộ nhận thầu khoán phải thanh toán trước một số tiền gọi là phí hợp đồng cho làng, tùy theo diện tích với mức từ 2 - 3 triệu đồng, làng sẽ quyết toán số tiền đó vào cuối kỳ. Đến thời điểm này, nhiều hộ đã đóng thuế, phí hàng năm lên tới gần 30 triệu đồng như hộ ông Phạm Văn Duy, Phạm Xuân Bật, Vũ Văn Xanh…Tất cả khoản trên do Ban vận động làng Mỹ Lộc tự thu bằng phiếu thu không có dấu và tự chi, không chịu sự dám sát của bất kỳ cơ quan nào, đại diện các hộ dân cho hay.

Trong thời gian nhận thầu khoán đầm, 19/23 hộ dân đã làm đơn đề nghị UBND huyện Tiên Lãng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại diện tích đầm trên. Nhưng yêu cầu của các hộ dân này không được UBND huyện Tiên Lãng chấp nhận. Gần đây, để phục vụ cho chủ trương quy hoạch quản lý, sử dụng đất, nguồn nước khu vực đầm Mỹ Lộc, Ban vận động làng Mỹ Lộc gửi văn bản đến các hộ thông báo về việc thanh lý hợp đồng đã ký. Thời gian giải quyết mọi vấn đề sau khi thanh lý hợp đồng từ ngày 1 - 10/1/2019.

Cho rằng, Ban vận động làng ký hợp đồng thầu khoán cho các hộ dân thuê là trái quy định nhà nước khiến cho các hộ dân không làm được Giấy chứng nhận QSDĐ, việc thanh lý hợp đồng nuôi thả cá khiến các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế nên họ đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

Ông Phạm Xuân Bật cho biết, gần 1 mẫu đầm nuôi thủy sản của gia đình được thầu khoán từ Ban vận động làng có nguy cơ thu hồi
Ông Phạm Xuân Bật cho biết, gần 1 mẫu đầm nuôi thủy sản của gia đình được thầu khoán từ Ban vận động làng có nguy cơ thu hồi

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Văn Gót, Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng cho biết: UBND xã cũng nhận được đơn thư của các hộ dân thầu khoán tại đầm làng Mỹ Lộc. Theo kế hoạch sử dụng đất, được thông qua trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã thì toàn bộ 7ha đầm làng Mỹ Lộc sẽ được cải tạo lại thành đầm nước tự nhiên. UBND xã nhiều lần giải thích cho các hộ dân về lý do thanh lý hợp đồng thầu khoán nhưng họ không nghe và tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trước năm 2004, toàn bộ 7ha nói trên là một dải đầm tự nhiên nối liền với làng Mỹ Lộc bằng một con mương. Đầm nước này phục vụ cuộc sống, sinh hoạt cho hơn 4.000 dân, nên được gọi là hồ điều hòa.

Ông Gót cho biết lý do thu hồi đầm thủy sản xuất phát từ kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi thủy sản. “Nước thải từ việc nuôi cá, thả vịt, nuôi lợn gà của các hộ dân thuê thầu đầm đều đổ ra mương làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, trong các cuộc tiếp xúc cử tri hay họp làng, nhân dân đều kiến nghị thu hồi lại diện tích trên để trả lại hồ điều hòa cho dân” - ông Gót khẳng định.

Mặt khác, ông Gót cho hay, phần mương trước kia sẽ được quy hoạch mở rộng khu dân cư. Tuy nhiên, khi được hỏi về thẩm quyền cho thuê thầu diện tích đầm nói trên của Ban vận động làng là đúng hay sai, ông Gót cho rằng: Tôi không bàn luận về điều đó. Đúng hay sai thì các cơ quan chức năng trả lời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...