Bài toán giữ Chùa Cầu giữa lòng đô thị cổ

GD&TĐ - Cạnh dòng sông Hoài thơ mộng là vùng hạ lưu của con sông lớn Thu Bồn, lại có Chùa Cầu nằm trong quần thể Khu di tích phố cổ Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) là Di sản văn hóa thế giới. Chùa Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, được xem là một trong những di tích độc đáo có giá trị lớn về kiến trúc, lịch sử, văn hóa…

Dòng kênh Chùa Cầu quanh năm nước bẩn tù đọng, gây ra ruồi muỗi, cảnh quan lại nhếch nhác (ảnh: Internet)
Dòng kênh Chùa Cầu quanh năm nước bẩn tù đọng, gây ra ruồi muỗi, cảnh quan lại nhếch nhác (ảnh: Internet)

Có một không hai của Quảng Nam và đất nước. Thế nhưng hiện nay cảnh quan xung quanh Chùa Cầu nhếch nhác, nhất là nguồn nước thải đang từng ngày đe dọa, xâm hại chân Chùa Cầu gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xâm hại Chùa Cầu

Trong khi đó, từ phía sau chùa cũng bị nguồn nước thải đang ngày, đêm “tấn công” khu dân cư đông đúc. Bên cạnh đó, hàng nghìn hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... nằm dọc theo các tuyến đường Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo... xả nước thải chưa qua xử lý xuống dòng kênh Chùa Cầu rồi chảy ra sông Hoài, khiến dòng nước ở đây đục ngầu, bốc mùi tanh hôi nồng nặc. “Mục sở thị” quanh phố cổ và dọc bờ sông Hoài thì được biết, vấn nạn ô nhiễm môi trường xảy ra từ nhiều năm qua, là điều quan tâm và nhức nhối nhất hiện nay.

Ông Lưu Văn Anh có nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (cạnh Chùa Cầu) phản ánh: “Hằng ngày, lưu lượng du khách về đây tham quan, vãn cảnh phố cổ rất đông, chẳng lẽ để tình trạng này tồn tại mãi sao. Về lâu dài, đề nghị chính quyền, ngành liên quan Hội An nên xây dựng Trạm xử lý nước thải cạnh Chùa Cầu, trước khi thải ra môi trường…”.

Chưa phát huy hiệu quả

Trong những năm qua, chính quyền Tp Hội An đã và đang chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng liên quan, ra sức nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm và cảnh quan nơi đây. Nhiều giải pháp đã được triển khai, chính quyền sẽ cho giải tỏa các hộ dân hai bên kênh nước Chùa Cầu và ruộng rau muống, sau đó nạo vét lòng kênh, thiết kế thoát lũ kết hợp xử lý nước. Trạm bơm cấp nước kênh Chùa Cầu đã xây dựng cùng với việc xây dựng cảnh quan, điện chiếu sáng, cây xanh... tạo ra môi trường trong lành, thông thoáng và thân thiện.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, bộc bạch: “Nạn ô nhiễm môi trường hiện nay trên sông Hoài và Chùa Cầu là mối quan tâm hàng đầu của thành phố, trong những năm qua thành phố đã có nhiều biện pháp và những động thái tích cực để hạn chế tình trạng trên, song nạn ô nhiễm vẫn còn xảy ra là lý do khách quan".

Hồ điều hòa đã xử lý nước thải bằng phương pháp lắng lọc tự nhiên tại hồ, trước khi chảy qua khu vực. Ngoài ra, để tạo nguồn nước cấp lấy từ kênh đào sông Hoài, với sự tài trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), đã xây dựng trạm bơm cấp nước đặt ngầm dưới tuyến đường ven theo kênh đào sông Hoài, khu vực đường bao Nguyễn Thị Minh Khai, nước được bơm lên theo tuyến ống chảy dọc theo hẻm, rồi vòng lên đường bê tông trước làng nghề đến hồ điều hòa...

Thế nhưng xem ra, hồ điều hòa chưa được phát huy hiệu quả, trên sông Hoài và Chùa Cầu không những được cải thiện, mà ngày còn tiếp diễn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn. Trao đổi với chúng tôi.

Trùng tu Chùa Cầu

Bên cạnh đó, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức hội thảo quốc tế tại phố cổ Hội An, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để trùng tu Chùa Cầu. Chủ trì hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kết luận: “Việc trùng tru Chùa Cầu cần phải sớm tiến hành, trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu, để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích.

Quan điểm chung của các đại biểu là hạ giải toàn bộ để trùng tu Chùa Cầu, nhưng phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đi đôi với áp dụng kỹ thuật hiện đại để đảm bảo tính nguyên gốc của di tích đặc biệt này. UBND tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn thành các thủ tục, đưa dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn trong khoảng thời gian 2017 – 2020…”. Hiện nay, rõ ràng đi song song với việc trùng tu Chùa Cầu là mang tính cấp thiết, thì vấn đề bảo vệ môi trường cho di sản độc đáo này, cũng phải quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm lễ động thổ khởi công xây dựng Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu. Dự án có tổng mức đầu tư là 243 tỷ 345 triệu đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản hơn 219 tỷ đồng VN, tương ứng 1,1 tỷ Yên Nhật, cùng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước hơn 23 tỷ VND. Thời gian xây dựng dự án từ nay đến năm 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ