Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy tiền có tác động tiêu cực lên mối quan hệ của con người khi họ không giúp đỡ nhau một cách vô tư mà có sự tính toán.
(ảnh minh họa: Internet) |
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của tiền trong xã hội hiện đại nhưng nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Kinh tế thuộc ĐH Chapman (Mỹ) đã chỉ ra, tiền chính là nhân tố khiến các mối quan hệ hay sự giúp đỡ giữa con người với nhau không còn chân thành, thay vào đó là sự toan tính và vụ lợi.
Đứng đầu nhóm nghiên cứu - Giáo sư Gabriele Camera đã giải thích cặn kẽ mối quan hệ giữa sự tồn tại của tiền tệ và hành vi con người. Từ xa xưa, loài người thường sống quy tụ theo nhóm nhỏ, các cá nhân đều thân thiết với nhau. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, đi kèm với đó là dân số tăng mạnh thì sự phát triển mối quan hệ tự nhiên này có xu hướng giảm dần.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành cuộc thử nghiệm trên 448 người tình nguyện. Trong một loạt các thí nghiệm, người tham gia được yêu cầu có quyền lựa chọn từ chối hoặc đồng ý trợ giúp đồng đội của mình trong cuộc chơi.
Và tất cả những sự giúp đỡ này dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. Kết quả cho thấy, quy mô nhóm càng lớn thì tỉ lệ hỗ trợ nhau càng giảm. Ở nhóm 2 người, sự giúp đỡ là 80%, nhưng số liệu này chỉ có 28,5% ở nhóm 32 người.
Trong thí nghiệm thứ 2, nhóm nghiên cứu đã sử dụng đồng token và quy ước đó như 1 đơn vị tiền tệ để người tham gia trong nhóm có thể trao đổi khi muốn được giúp đỡ. Điều bất ngờ là, bất chấp sự gia tăng của số lượng thành viên trong nhóm, tỉ lệ trao đổi duy trì ở mức khá cao 52,1%.
Giáo sư Gabriele Camera cho biết: "Một khi lợi ích của tiền bao phủ lên suy nghĩ của người trong cuộc, sự chân thành, tự nguyện giúp đỡ nhau dường như không còn nhiều, thay vào đó là sự trao đổi, hợp tác, toan tính điều có lợi cho mình. Điều này cho thấy, trong xã hội hiện đại, mối quan hệ và sự giúp đỡ tự nguyện giữa con người với nhau đã bị thay thế hoàn toàn bởi lợi ích vật chất".
Theo Trí Thức Trẻ