Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 186 trường mầm non với 4.991 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, giáo viên trực tiếp giảng dạy 3.074 người. Bình quân giáo viên nhà trẻ là 1,84 giáo viên/nhóm; Mẫu giáo 1,68 giáo viên/lớp (theo chuẩn là 2,2 giáo viên/lớp). Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã xảy ra liên tục nhiều năm. Trong 7 tháng đầu năm 2020, có 8/11 huyện tuyển được 148 giáo viên, còn thiếu 162 hồ sơ, 3 huyện còn lại chưa xét tuyển được.
Toàn tỉnh công nhận 18 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Số trường mầm non đạt chuẩn toàn tỉnh là 82 trường. Tuy nhiên, toàn tỉnh còn 519/1.804 phòng bán kiên cố. Trong năm học 2019 - 2020, các trường mầm non đã đầu tư 11.561 triệu đồng để mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ…
Công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi được duy trì, giữ vững và đi vào nề nếp, 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi.
Công tác xã hội hóa các trường mầm non được đẩy mạnh đặc biệt tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy. Các trường mầm non đã vận động phụ huynh hỗ trợ kinh phí hoạt động 17.050 triệu đồng.
Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu cho phép đối với trường mầm non hạng I thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế, xác định số người làm việc không quá 3 người thay vì 2 người như Thông tư 06/2015 liên bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ. Điều chỉnh các vấn đề: chế độ sinh hoạt để giáo viên làm việc đúng 8 giờ/ngày; định mức tối thiểu giáo viên/lớp tại Thông tư 06; điều chỉnh hạng ngạch giáo viên mầm non phù hợp với Luật Giáo dục 2019. Sớm ban hành văn bản thực hiện chương trình trẻ mầm non làm quen với Tiếng Anh…
Chính phủ cần sớm ban hành thêm chính sách thu hút giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn; thêm chính sách hỗ trợ bữa trưa cho trẻ em nghèo và cận nghèo…
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” qua 5 năm thực hiện được các cấp và nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.
Việc thực hiện chuyên đề đã góp phần thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của giáo viên, đã chủ động trong việc thực hiện lập kế hoạch, lựa chọn hoạt động giáo dục, hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của trẻ, tình hình thực tế địa phương. Tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động, trò chơi, vận dụng đổi mới phương pháp dạy học. Trẻ khỏe mạnh, tích cực hoạt động, hứng thú, mạnh dạn, tự tin, phát triển thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội. Cơ sở vật chất được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ…
Nhiều công trình giáo dục sáng tạo xuất hiện như: Phòng Công nghệ trẻ thơ, Khu hướng nghiệp, Công trình Hồ bơi, Sân chơi thân thiện, Đổi mới Buffer sáng… được chia sẻ tại hội nghị.
Dịp hội nghị, có 34 tập thể và 52 cá nhân được tôn vinh vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện chuyên đề. Xét đề cử 3 đơn vị được Bộ GD&ĐT khen thưởng.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Thị Phượng yêu cầu trong năm học 2020 - 2021, bậc học Mầm non cần thực hiệu các chỉ tiêu đã đề ra. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tập trung thực hiện giáo dục kỹ năng trẻ; quan tâm rà soát cơ sở vật chất, cải tạo phòng học xuống cấp; củng cố chất lượng chăm sóc trẻ; đề xuất lộ trình nâng chuẩn giáo viên mầm non…