Bên cạnh nhiều địa phương bảo đảm tiến độ vẫn có nơi chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Giáo viên mong ngóng
Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo hướng dẫn tại Thông tư 08, việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (30/5/2023). Theo đó, hạn cuối để các địa phương báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT là 30/11/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương chưa hoàn tất nhiệm vụ.
Hoàn thành hồ sơ và nộp lên cấp trên từ tháng 8/2023 nhưng đến nay cô Trần Thị Mai Trâm – giáo viên Trường Mầm non Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) chưa nhận được phản hồi về việc hồ sơ của mình có hợp lệ hay không? Cô Mai Trâm mong muốn sớm được bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo hướng dẫn tại Thông tư 08 nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng nhà giáo.
Với hơn 10 nghìn hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, xếp lương mới của giáo viên, ông Ngô Thanh Tú - Phó Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hậu Giang cho hay, sở đã tiếp nhận và thẩm định toàn bộ. Về cơ bản, quy trình các bước đã hoàn tất, chờ đến công đoạn cuối cùng là ban hành quyết định bổ nhiệm, xếp lương mới cho giáo viên. Dự kiến trung tuần tháng 12/2023 sẽ hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT.
Tiết học Toán của cô trò của Trường THCS Việt Hòa (TP Hải Dương). Ảnh: INT |
Lắng nghe phản hồi của nhà giáo
Nhiều địa phương đã hoàn tất việc bổ nhiệm, xếp lương mới cho giáo viên. Huyện Trần Đề (Bến Tre) đã bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương mới theo hướng dẫn tại Thông tư 08 cho hơn 1.600 giáo viên từ mầm non đến THCS. Ông Võ Minh Dẫn – Phó Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ, phòng thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với phòng, sở Nội vụ để cùng tháo gỡ khó khăn. Quan điểm là không làm cho xong, làm vì quyền lợi của giáo viên.
“Với khối lượng công việc nhiều, số lượng giáo viên lớn nên không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Tuy nhiên, chúng tôi không giấu dốt và tiếp tục lắng nghe phản hồi từ giáo viên để có những điều chỉnh hợp tình, hợp lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho đội ngũ”, ông Võ Minh Dẫn bày tỏ.
Tỉnh Hải Dương đã hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương mới cho giáo viên từ ngày 1/11/2023. Ông Nguyễn Danh Ngọc – chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, đối với giáo viên THPT, không có sự thay đổi về lương. Tuy nhiên, với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS có thay đổi lớn về lương.
Ông Danh Ngọc viện dẫn, với giáo viên tiểu học, THCS yêu cầu trình độ chuẩn là đại học (hệ số lương khởi điểm là 2,34). Trước đây, có thể giáo viên đang hưởng lương theo trình độ trung cấp, cao đẳng nên hệ số là 1,86 hoặc 2,1. Hay như với giáo viên mầm non, trước đây yêu cầu trình độ chuẩn trung cấp nay là cao đẳng… vì thế, khi bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư 01 - 04 và Thông tư 08, lương của đội ngũ này đều tăng lên.
Trong quá trình triển khai, ông Danh Ngọc nhận thấy, quan trọng nhất vẫn là ý chí quyết tâm thực hiện và khó đâu gỡ đấy. Việc đầu tiên là bám sát hướng dẫn của thông tư và Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 của Bộ GD&ĐT “Về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông”.
“Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn, vướng mắc và những tình huống phát sinh trong thực tiễn, chúng tôi xin ý kiến cấp trên để có giải đáp, tháo gỡ. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quyền lợi chính đáng cho giáo viên”, ông Danh Ngọc chia sẻ.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, quá trình địa phương triển khai chùm Thông tư 01 - 04 và Thông tư 08, Bộ nhận được nhiều câu hỏi của giáo viên và cơ quan quản lý các cấp về một số quy định liên quan đến bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Để bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, thời gian để được xét bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới bao gồm: Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian giữ các ngạch giáo viên, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, hạng II và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương khi thực hiện chuyển chức danh nghề nghiệp (không kể thời gian tập sự).
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục viện dẫn ví dụ: Giáo viên B đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11). Trước đây, giáo viên B đã có 3 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí việc làm giáo viên THCS, 2 năm giữ ngạch giáo viên THCS (mã số 15a.202) và có 2 năm giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12).
Sau khi trúng tuyển trong kỳ thăng hạng do địa phương tổ chức, giáo viên B được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11), tính đến hiện tại đã có 2 năm giữ hạng. Như vậy, giáo viên B đã có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ 9 năm và đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31).
Cũng theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, khi thực hiện chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cho các trường hợp chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới, thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển.
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lưu ý, Khoản 2 Điều 5 Thông tư 08 quy định: Không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại chùm Thông tư 01 - 04.