Khó đâu gỡ đấy với quy định về xếp lương giáo viên

GD&TĐ - Nhiều giáo viên băn khoăn về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương. 

Cô và trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng

Giáo viên mong sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, từng bước đưa chính sách vào cuộc sống.

Vẫn còn băn khoăn

Mới đây, Báo Giáo dục & Thời đại nhận được thư của một nữ giáo viên có địa chỉ kimhoa***@gmail.com. Trong thư, giáo viên kể đã ra trường được 20 năm. Năm 2010, cô có bằng đại học đúng chuyên ngành đào tạo. Sau lần nâng ngạch từ bậc 4 (bằng trung cấp), cô được xếp về bậc 1 (bằng đại học) nên lương không được cải thiện là bao.

Trước đó, giáo viên này được tăng lương trước thời hạn 2 lần. Đến năm 2021 cô được xếp bậc 4, hệ số 3,99. Sau 13 năm được chuyển lương sang hệ đại học, cô được xếp lương mới theo CDNN, cô lại quay trở về vạch xuất phát - bậc 1, hệ số 4,0 (tăng 0,01). Trong khi đó, có giáo viên trẻ, kém 8 năm công tác nhưng vẫn được xếp lương ngang bằng với cô, tức là tăng một lúc 2 bậc.

Nữ nhà giáo cho rằng, thực tế trên dẫn đến bất công cho giáo viên có thâm niên đứng lớp lâu năm. Mong rằng, bất cập này sẽ được tháo gỡ để những nhà giáo có tuổi đời, tuổi nghề cao không bị thiệt thòi. Trên hết là để chính sách nhân văn của Nhà nước, Bộ GD&ĐT sớm đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn.

Theo cô Phan Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá), đâu đó vẫn có thầy cô chịu thiệt thòi vì chưa được hưởng lương theo bằng cấp. Có giáo viên tiểu học, mầm non được tuyển dụng từ những năm 2016, 2017; nay họ đã có bằng đại học nhưng vẫn hưởng lương theo bằng trung cấp. Thực tế này đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần sớm khắc phục, bảo đảm quyền lợi chính đáng và để giáo viên được bổ nhiệm đúng CDNN, được xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm.

Liên quan đến bổ nhiệm CDNN, vừa qua Trường Tiểu học Hải Hà đã hoàn tất hơn 10 hồ sơ cho giáo viên. Cô Yến cho hay, các hồ sơ này đã gửi đến phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ thẩm định, xét duyệt. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04 (Thông tư 08), nhà trường tiếp tục rà soát, đối chứng lại xem đã đúng và đủ so với hướng dẫn mới hay chưa?

“Đến thời điểm này, các hồ sơ cơ bản được thông qua. Tôi tin, giáo viên sẽ được bổ nhiệm CDNN tương xứng, xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm”, cô Yến bày tỏ.

Giờ học Toán của cô – trò Trường THCS Hoàng Ninh (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Website nhà trường

Giờ học Toán của cô – trò Trường THCS Hoàng Ninh (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Website nhà trường

Không để giáo viên thiệt thòi

Một trong những vướng mắc mà cô Lê Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Ninh (Việt Yên, Bắc Giang) mong muốn sớm được tháo gỡ là: Nhiều thầy, cô giáo đã bổ nhiệm giáo viên THCS hạng II nhưng chưa được hưởng lương tương ứng. Trong khi đó, giáo viên THPT được hưởng lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm.

Ngoài ra, trước đây nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc cung cấp minh chứng khi thực hiện bổ nhiệm hạng CDNN. Theo cô Hà, việc này nếu không làm bài bản, khoa học ngay từ đầu sẽ rất khó để hoàn thiện hồ sơ. Vì thế, bước đầu tiên phải chuẩn từ phía giáo viên và nhà trường.

“Những trường nào làm bài bản, khoa học có hệ thống văn bản, quyết định rõ ràng, khi gửi hồ sơ và hệ thống minh chứng lên cấp trên sẽ không phải làm lại”, cô Hà trao đổi đồng thời nhìn nhận: Việc bãi bỏ yêu cầu nộp minh chứng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới đối với giáo viên là hợp lý, tháo gỡ được khó khăn, bất cấp từ thực tế khách quan.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08, Sở GD&ĐT Bến Tre sẽ tiến hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát lại hồ sơ của giáo viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ông Võ Văn Luyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, sở yêu cầu các trường phải nắm chắc thực trạng của từng giáo viên, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để thầy cô được bổ nhiệm, xếp lương theo CDNN tương ứng. Khi cơ chế, chính sách đã đầy đủ, tuyệt đối không để giáo viên thiệt thòi. Muốn vậy, phải thực hiện đúng, đủ, khoa học ngay từ khâu làm hồ sơ, mà việc này phụ thuộc vào mỗi thầy, cô giáo và cơ sở giáo dục.

“Tinh thần là, khó đâu gỡ đấy. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Nội vụ để có hướng dẫn các trường thực hiện, bảo đảm đúng quy định của Thông tư 08. Hiện, chúng tôi chưa nhận được phản hồi của giáo viên về những khúc mắc liên quan đến quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương”, ông Luyến cho hay.

Tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, theo yêu cầu của chùm Thông tư 01-04, cuối năm 2022 địa phương đã cơ bản hoàn tất việc bổ nhiệm CDNN cho giáo viên trên địa bàn. Trừ một số trường hợp là cán bộ quản lý chưa có bằng đại học đúng chuyên môn. “Một số giáo viên từ nơi khác chuyển về, chúng tôi cũng tiến hành rà soát hồ sơ để tiến hành bổ nhiệm CDNN tương ứng”, bà Vân trao đổi.

Phòng GD&ĐT Nghi Sơn chỉ đạo các trường học trên địa bàn nghiên cứu kỹ Thông tư 08. Sau đó tiến hành rà soát lại hồ sơ của giáo viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn (nếu có), nhất là trong vấn đề xếp hạng và xếp lương. Quan điểm của phòng GD&ĐT là, bảo vệ quyền lợi chính đáng, không để giáo viên thiệt thòi.

“Trước khi ban hành chính sách, Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT đã có nghiên cứu từ thực tế. Hơn nữa, Thông tư ban hành sẽ áp dụng chung trên cả nước nên không thể quy định chi tiết hoặc hướng dẫn cụ thể đến từng trường hợp. Việc thực hiện chính sách được địa phương triển khai và áp dụng linh hoạt theo quy định”, bà Vân nhìn nhận.

Theo cô Lê Thu Hà, một số người thắc mắc, với giáo viên mới ra trường, dạy THCS được hưởng lương theo bằng đại học. Trong khi có thầy, cô giáo đi dạy hơn 10 năm vẫn hưởng theo lương bằng cao đẳng. Họ mong muốn sớm được chuyển xếp lương mới theo bằng đại học và theo chức danh nghề nghiệp tương ứng để không bị thiệt thòi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...