Tiền đề vững tin cho năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2019 - 2020, ngành GD và đơn vị trường học đã nhanh chóng “bắt nhịp” với diễn biến dịch bệnh để đưa ra quyết sách phù hợp. Năm học cán đích đúng kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, trọn vẹn. Nỗ lực và thành công trong năm học qua trở thành “bàn đạp” để ngành GD và các địa phương vững tin thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của năm học tới.

Học sinh Đắk Lắk trong buổi khai giảng năm học 2019 - 2020.
Học sinh Đắk Lắk trong buổi khai giảng năm học 2019 - 2020.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La:

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Ông Nguyễn Huy Hoàng.
 Ông Nguyễn Huy Hoàng.

Năm học 2019 - 2020, ngành GD-ĐT Sơn La có nhiều đổi mới trong công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo tỉnh cũng như chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Toàn tỉnh huy động được 22,7% (tăng 2,1%) số trẻ trong độ tuổi ra nhà trẻ và 98,6% (tăng 1,6%) trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%, lớp 6 đạt 99,8%.

Tỉnh duy trì 12/12 huyện, thành phố đạt mục tiêu chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ. Chất lượng giáo dục các cấp học đánh giá chuyển biến tốt so với năm học trước. Có được kết quả trên nhờ sự chủ động tham mưu trình UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách về GD-ĐT.

Năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT Sơn La thống nhất quan điểm và chủ trương tiếp tục tập trung, kiên trì để thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững với lộ trình phù hợp điều kiện thực tiễn. Cụ thể, địa phương phấn đấu tăng tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, quản trị trường học; tăng cường quản lý dạy học và kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo Đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025. Sơn La cũng sẽ bố trí đủ biên chế giáo viên, nhân viên triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Toàn ngành phấn đấu thi đua với mục tiêu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: 

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Để hoàn thành các mục tiêu trong năm học mới, Đắk Lắk đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tỉnh bảo đảm 100% học sinh theo học Chương trình GDPT mới có sách giáo khoa khi đến trường. Theo thống kê, Đắk Lắk có hơn 2.000 học sinh thuộc diện hộ cận nghèo.

Ngành Giáo dục vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ để các em đủ sách đến trường. Bên cạnh đó, địa phương chỉ đạo các trường dùng kinh phí thường xuyên mua bộ sách mới cho thư viện. Những học sinh nào không có điều kiện mua sách, nhà trường sẽ cho mượn.

Ngành Giáo dục đã hoàn thành việc tập huấn cho hơn 4.000 cán bộ, giáo viên; hoàn thành việc lựa chọn và phân bổ sách về cho các trường. Chúng tôi cũng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cụ thể, bố trí phù hợp, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và THCS… Trong năm học mới, ngành Giáo dục tiếp tục dạy học trực tuyến để hỗ trợ kiến thức cho học sinh nhưng phải phù hợp với điều kiện địa phương và các trường.

Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021 - 2022, Đắk Lắk đang chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tỉnh sẽ thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa riêng trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT 

Đà Nẵng: 

Hướng tới mô hình giáo dục thông minh 

Bà Lê Thị Bích Thuận.
Bà Lê Thị Bích Thuận.

Triển khai Khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng, hệ sinh thái của mô hình giáo dục thông minh đang dần được hoàn thiện. Năm 2020, một số trường xây dựng những nền tảng cơ bản của mô hình này (smart school). Đầu năm học 2020 - 2021, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng (Adapter) nhằm tích hợp thông tin về học sinh được đưa vào sử dụng. 

Cổng thông tin GD&ĐT Đà Nẵng và hệ thống website thống nhất cho các đơn vị, tổ chức giáo dục cũng sẵn sàng. Các công đoạn liên quan đến xây dựng Trung tâm Dữ liệu ngành đang được triển khai thực hiện. Trung tâm này sẽ cho phép các đơn vị trường học, giáo viên upload, chia sẻ và khai thác các bài giảng E-learning, sách, tài liệu điện tử… để phục vụ công tác giảng dạy, học tập.

Cũng trong năm học này, Đà Nẵng sẽ đầu tư thí điểm hệ thống camera thông minh tại Trường THPT Trần Phú và THPT Nguyễn Hiền. Đây là một trong những nội dung của mô hình trường học thông minh. Riêng dự án xây dựng Nền tảng (platform) dịch vụ GD&ĐT của Đà Nẵng trên môi trường trực tuyến tích hợp với chính quyền điện tử được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi để gửi Sở TT&TT phê duyệt.

Để triển khai Chương trình - sách giáo khoa mới, Đà Nẵng có khoảng 3 năm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp để đạt mục tiêu 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày chứ không chỉ ưu tiêu cho HS khối 1. Cùng với đó, Đà Nẵng bảo đảm đủ GV theo định mức và  môn học.

Lộ trình thực hiện sẽ từ năm học 2020 - 2021 và đến năm học 2025 - 2026 phải bảo đảm đủ số lượng GV theo định mức và thành phần GV bộ môn, cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình và Thông tư 32. Cùng với tổ chức tập huấn cán bộ quản lý và GV, việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện dạy - học sẽ góp phần vào sự thành công khi triển khai Chương trình - SGK mới ở lớp Một, tạo đà cho lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới. 

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu:

Năm mở đầu cho sự thay đổi toàn diện 

Bà Trần Thị Ngọc Châu
Bà Trần Thị Ngọc Châu

Năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (học sinh lớp 1), Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn tất công tác chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất.

Sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học lựa chọn đội ngũ từ giữa năm 2019 nhằm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn để giáo viên chủ động thực hiện được các nội dung, yêu cầu của chương trình mới. Mặt khác, do chương trình mới tổ chức học 2 buổi/ngày nên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh phải tính toán sắp xếp, bố trí, gia tăng phòng học… ưu tiên cho học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày từ học kỳ II năm học 2019 - 2020.

Về sách giáo khoa, Bà Rịa – Vũng Tàu chọn 9 cuốn  từ 5 bộ sách mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Trong đó, 2 cuốn sách Toán và  Giáo dục thể chất lấy từ bộ sách Cánh diều; môn Tự nhiên - Xã hội và môn Âm nhạc lấy từ bộ sách Cùng học để phát triển; môn Tiếng Việt, Đạo đức, Mỹ thuật lấy từ bộ sách Chân trời sáng tạo; Môn hoạt động trải nghiệm lấy từ bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. 

Năm học 2019 - 2020 đi qua với khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, đồng lòng của toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, công tác chuẩn bị cho năm học mới, năm bản lề cho sự thay đổi toàn diện của hệ thống giáo dục Việt Nam đã sẵn sàng.

Không chỉ rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho năm học mới, nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được thông qua. Đơn cử, năm học 2020 - 2021, mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên nâng từ 30% lên 50%. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh. 

Cũng trong năm học tới, học sinh từ mầm non đến THPT công lập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền để khám sức khỏe chuyên khoa (13.000 đồng/học sinh mầm non, cấp còn lại mỗi học sinh được hỗ trợ 52.000 đồng).

PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng:

Đầy thử thách nhưng cũng thật tự hào

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và Sở GD&ĐT trao thưởng cho học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn Hóa học Lý Hải Đăng
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và Sở GD&ĐT trao thưởng cho học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn Hóa học Lý Hải Đăng

Năm học 2019 - 2020 để lại nhiều dấu ấn với ngành GD-ĐT TP Hải Phòng khi chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; từng bước thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở tất cả cấp học, ngành học; chuẩn bị tốt mọi điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất sẵn sàng cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một trong những điểm nhấn năm học 2019 - 2020, Hải Phòng xây dựng thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Đây là tín hiệu khẳng định Hải Phòng đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, dạy học trực tuyến, từ xa, hướng tới nền giáo dục vững mạnh, hiện đại. Từ cơ sở dữ liệu ngành, Hải Phòng có chuyển biến rõ nét từ dạy học truyền thống sang trực tuyến cho gần nửa triệu học sinh thành phố trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. 

Thành tích nổi bật của Hải Phòng trong năm học vừa qua là giữ vững vị trí 24 năm liên tiếp có học sinh giỏi quốc tế (1 Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn Hóa học và 1 Huy chương Đồng môn Tin học). Đặc biệt, 35 học sinh lớp 11 Trường THPT Thái Phiên thi ILETS, trong đó có 4 học sinh đạt 8.0; 5 em đạt 7.5; 9 học sinh đạt 7.0… Với kết quả đã đạt được, Hải Phòng dần phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục đào tạo quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau:

Tập trung nguồn lực triển khai Chương trình, SGK mới

Ông Nguyễn Minh Luân
Ông Nguyễn Minh Luân

Năm học 2019 - 2020, tỉnh Cà Mau đã rà soát, sắp xếp trường, lớp học phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục; thi tuyển bổ sung những vị trí giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao. 

Năm học qua, tỉnh cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đúng thực chất; điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn mới và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới.

Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển theo hướng bền vững. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao, số học sinh giỏi cấp THCS, THPT tỉnh và học sinh giỏi THPT dự thi cấp quốc gia tăng so với năm trước. Tỉnh có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì cấp quốc gia…

Tập trung triển khai Chương trình, SGK mới là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong năm học này. Tỉnh tiến hành sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều chỉnh số lượng học sinh/lớp nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực, đáp ứng yêu cầu khi thực hiện Chương trình, SGK mới.

Đồng thời, tỉnh rà soát, sắp xếp và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, phòng chức năng, trang thiết bị… Từ việc đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trường học, tỉnh có biện pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp...; lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy học của địa phương và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đồng bộ, hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.