Nhằm chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và 10 tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Hà Nội đã trải qua 3 đợt giãn cách liên tục thế nhưng số ca mắc mới vẫn ở mức cao, trung bình những ngày gần đây khoảng 50 ca. Tính từ ngày 29/4 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 3.500 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó ca mắc ngoài cộng đồng là gần 1.600 và hơn 2.000 ca mắc là các trường hợp đã được cách ly.
Để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, từ ngày 6 - 12/9, thành phố thực hiện xét nghiệm 100% người dân theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2 - 3 ngày/lần; tại khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5 - 7 ngày/lần; tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trước ngày 15/9. Trước đó, thành phố đã xét nghiệm diện rộng đợt một trên 1,1 triệu người bằng kỹ thuật RT-PCR; đợt hai lấy thêm khoảng 200.000 mẫu, chia làm hai giai đoạn.
Thực tế, Hà Nội đã nhận diện chính xác mức độ của dịch bệnh và đã sớm kích hoạt hệ thống phòng chống, đưa ra các giải pháp phù hợp với diễn biến và thực lực. Kết quả là việc phòng chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, cần thiết phải có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.
Bên cạnh đó, hiện nay, yêu cầu vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề cấp thiết đặt ra không chỉ với riêng Hà Nội. Vậy nhưng, để thực hiện được điều này, trước tiên cần phải có nguồn lực y tế đủ mạnh, hoạt động hiệu quả để khống chế, kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và lộ trình tạo điều kiện dần phục hồi kinh tế. Tại các khu vực nguy cơ cao tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thực chất, kịp thời, không buông lỏng quản lý hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Tại các khu vực có nguy cơ thấp, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Thực hiện phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.
Từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Cần nhấn mạnh rằng, trong Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đã nêu mục tiêu nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh trước ngày 15/9 để thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.
Bởi vậy, yêu cầu một số tỉnh, thành phố chủ động sẵn sàng nguồn nhân lực để hỗ trợ Hà Nội của Thủ tướng là bước chuẩn bị cần thiết, là tiền đề quan trọng để có thể đạt mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời vừa phát triển kinh tế - xã hội.