Tiền đề đổi mới

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023 có thể nói là một dấu mốc với dạy học Ngữ văn.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đây là môn học duy nhất mà trước năm học mới, Bộ GD&ĐT có một văn bản riêng hướng dẫn, lưu ý triển khai cả về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Nhiều sở GD&ĐT đã cụ thể hóa hướng dẫn này để triển khai đổi mới dạy học Ngữ văn phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhiều giáo viên có chung nhận định, yếu tố quan trọng nhất để thành công trong đổi mới dạy học nói chung, dạy học Ngữ văn nói riêng là năng lực của đội ngũ giáo viên đứng lớp. Hạn chế của phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay là quen dạy theo phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, phụ thuộc vào sách giáo khoa, ít gắn với vận dụng. Điều này dẫn tới học sinh thụ động ghi nhớ kiến thức rời rạc, có sẵn, không được vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Thói quen này có lẽ không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều.

Để khắc phục, việc quan trọng đầu tiên là thầy cô cần nắm chắc, hiểu sâu chương trình; xác định được yêu cầu cần đạt với môn học. Cùng với đó, đổi mới tư duy, nhận thức và phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận mới, làm sao giáo viên phải là người tổ chức các hoạt động và hỗ trợ để học sinh tự phát hiện ra cái hay, cái đẹp trong văn bản, chứ không phải diễn giảng, thuyết giảng như thường làm. Hình thức dạy học phải đa dạng hơn, ở trong và ngoài lớp, trên lớp và về nhà, trực tiếp và qua Internet; học qua nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo…

Thầy cô cũng cần đồng hành, giúp các em dần bỏ lối học thụ động; tăng tương tác với bạn bè, giáo viên; thể hiện vai trò chủ động, tích cực để phát huy được năng lực cá nhân. Những thay đổi nên từ những điều tưởng chừng rất nhỏ, đơn cử như thói quen ghi bài. Học sinh không chỉ ghi theo nội dung giáo viên viết bảng/đọc mà có thể tự tìm hiểu, rút ra kết quả và ghi bài theo cách hiểu của mình khi tiếp nhận nhiệm vụ học tập, hay trong quá trình làm việc nhóm… Điều này thầy cô đã được chia sẻ trong các buổi tập huấn về sách giáo khoa mới.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn có những thay đổi mới mẻ, đem lại sự hứng thú cho cả người học và người dạy. Theo đó, chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học, mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp, giúp giáo viên, học sinh dạy học chủ động hơn.

Việc được chủ động hơn là cơ hội, đồng thời là thách thức với thầy cô. Trên thực tế, không ít giáo viên dạy Ngữ văn vẫn thụ động khi triển khai, chưa thay đổi cách dạy học “đọc - chép”; lúng túng khi tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để xây dựng đề kiểm tra. Có thầy cô cho biết dù đã hiểu tinh thần chương trình, quen hơn với sách giáo khoa mới, nhưng lại gặp khó khăn khi phải dành thời gian nhiều để nghiên cứu sâu bài học, đọc sách (các tác phẩm có ngữ liệu lấy vào sách giáo khoa). Trong khi đó, hệ thống tài liệu bổ trợ, tham khảo ít và khó tìm.

Do đó, bên cạnh sự tự nỗ lực, thầy cô tiếp tục cần được tham gia thêm nhiều lớp tập huấn về chuyên môn để kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên cũng cần được quan tâm nhiều hơn; đầu tư thêm cơ sở vật chất, hỗ trợ thầy cô các tài liệu bổ trợ giúp thực hiện đổi mới hiệu quả... Khi giáo viên nỗ lực đổi mới và được tạo điều kiện để đổi mới, việc dạy - học Ngữ văn trong nhà trường chắc chắn sẽ khởi sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ