Yêu cầu giai đoạn mới
- Các tiêu chuẩn được quy định trong chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT liệu đã bao trùm được yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực trong lãnh đạo, quản trị nhà trường của hiệu trưởng, thưa ông?
- Đánh giá năng lực là một phần quan trọng trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách quản lý, phát triển đội ngũ hiệu trưởng các cơ sở GDPT. Quá trình này giúp nhận diện được đúng năng lực của hiệu trưởng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường, từ đó tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực của hiệu trưởng, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường đạt hiệu quả cao.
Để việc đánh giá hiệu trưởng bảo đảm đúng thực chất, công bằng, khách quan, phù hợp với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay và hướng tới sự phát triển trong tương lai, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu xây dựng và ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay cùng với xu hướng giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình rất cao cho các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng cơ sở GDPT cần liên tục được bồi dưỡng, phát triển về kiến thức và nghiệp vụ trong lãnh đạo, quản trị nhà trường một cách toàn diện. Chính vì vậy, năm tiêu chuẩn trong chuẩn hiệu trưởng đã bao trùm, khái quát hóa một cách đầy đủ nhất những những yêu cầu mới về phẩm chất và năng lực trong lãnh đạo, quản trị nhà trường.
Ảnh minh họa/ Internet |
Các tiêu chuẩn, tiêu chí đã thể hiện rõ yêu cầu người hiệu trưởng trong giai đoạn đổi mới cần có phẩm chất và năng lực mới. Hiệu trưởng cơ sở GDPT không còn là người chỉ thực thi nhiệm vụ hành chính như trước đây mà nhà trường ngày càng được tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, xây dựng trường học lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho mỗi HS. Có thể nói, tiến bộ và hạnh phúc của mỗi HS là thước đo năng lực hiệu trưởng.
Thứ nhất, hiệu trưởng phải đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp, bao gồm đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực và có tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
Thứ 2, hiệu trưởng phải có năng lực lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực HS, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi HS.
Thứ 3, hiệu trưởng phải có năng lực chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững.
Thứ 4, hiệu trưởng phải có năng lực phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.
Thứ 5, hiệu trưởng phải biết sử dụng ngoại ngữ và CNTT trong quản trị nhà trường.
Hệ thống 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí được mô tả rõ ràng là công cụ hữu hiệu để hiệu trưởng tự đánh giá bản thân và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp đánh giá hiệu trưởng một cách toàn diện về phẩm chất và năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường.
Khách quan trong đánh giá theo chuẩn
- Theo ông, làm sao để đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng không máy móc, cảm tính?
- Để việc đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng không máy móc và cảm tính, thiếu đi sự chính xác, tối đa hóa tính công bằng, dân chủ, khách quan thì việc đánh giá năng lực cần được thực hiện trên nhiều phương diện khác nhau với sự tham gia của các bên liên quan, trong đó phải bao gồm bản thân hiệu trưởng tự đánh giá, đồng thời cũng nhận được ý kiến góp ý, đánh giá của các bên liên quan.
Chính vì vậy, Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT đã quy định rõ quy trình đánh giá bao gồm 3 bước: Bước 1: Hiệu trưởng tự đánh giá; bước 2: Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng; bước 3: Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá, thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở xem xét kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp. Kết quả xếp loại đánh giá (mức tốt, mức khá, đạt chuẩn, chưa đạt chuẩn) dựa trên mức đạt được của các tiêu chí.
Hằng năm, hiệu trưởng tự đánh giá, hai năm cơ quan quản lý cấp trên đánh giá một lần. Tuy việc xếp loại kết quả đánh giá cuối cùng của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định (theo chu kỳ 2 năm/lần) không căn cứ vào việc tính điểm bình quân kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng và ý kiến của giáo viên, nhân viên trong nhà trường, nhưng ý kiến của giáo viên, nhân viên trong nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giúp hiệu trưởng có thêm thông tin tham khảo và giúp cơ quan quản lý cấp trên xem xét, có thêm căn cứ cho việc đánh giá hiệu trưởng.
Trong bối cảnh đổi mới GDPT gắn với trao quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình cho nhà trường và khẳng định vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng trong xây dựng môi trường giáo dục nhà trường dân chủ, công bằng, hiệu quả và đảm bảo chất lượng, thì việc hiệu trưởng tổ chức, chỉ đạo việc lấy ý kiến giáo viên về bản thân hiệu trưởng theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT một cách khách quan, toàn diện là một trong những minh chứng quan trọng cho năng lực thực hiện dân chủ của hiệu trưởng.
Ngoài ra, tính khách quan còn thể hiện ở quy định phải sử dụng minh chứng trong quá trình đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, cụ thể là để chứng minh mức đạt được của các tiêu chí phải đưa ra được các minh chứng cụ thể. Minh chứng ở đây được hiểu là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí. Như vậy, hiệu trưởng khi tự đánh giá cần phải cung cấp các minh chứng để chứng minh mức đạt được về phẩm chất, năng lực của mình, trường hợp không đưa ra được minh chứng thì được đánh giá là chưa đạt.
Theo chuẩn để phát triển
- Làm sao để việc đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn giúp họ cải thiện năng lực chứ không gây áp lực, căng thẳng, theo ông?
- Khi đánh giá hiệu trưởng cơ sở GDPT theo chuẩn, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp cũng cần chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục nhằm cải thiện năng lực của hiệu trưởng, giúp họ tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt mục tiêu phát triển năng lực cao hơn.
Tuy nhiên, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp cũng lưu ý không quá tiêu cực đối với những hạn chế của hiệu trưởng hoặc quá nôn nóng để cải thiện. Như vậy vô tình sẽ tạo ra tâm lý căng thẳng ảnh hưởng đến quá trình làm việc và phát triển năng lực làm việc cũng như năng lực bản thân.
Các nhà quản lý cần xác định việc đánh giá năng lực sẽ là động lực giúp hiệu trưởng phấn đấu hơn trong cải thiện năng lực, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản trị nhà trường. Từ kết quả đánh giá cũng như nguyện vọng của hiệu trưởng, cơ quan quản lý cấp trên sẽ có được kế hoạch phát triển đội ngũ hiệu trưởng một cách ổn định và bền vững.