Tiễn biệt những bậc thầy tài hoa về miền mây trắng

GD&TĐ - Cuối Đông đầu Xuân, giới sân khấu nước nhà nghiêng mình tiễn biệt những bậc thầy tài hoa về với miền mây trắng.

Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao. Ảnh: Đại Nghĩa
Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao. Ảnh: Đại Nghĩa

Người cần mẫn “gieo hạt”

Người Việt Nam bấy lâu luôn hãnh diện mỗi khi trình diễn loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới - múa rối nước - với bạn bè quốc tế. Nhưng có lẽ ít người biết được ai là người đã đưa rối nước từ ao làng lên sân khấu chuyên nghiệp để từ đó mở ra những cơ hội quảng bá, giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.

Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao chính là người đã “gieo hạt” đầu tiên cho sự phát triển của múa rối nước Việt Nam. Để có chương trình rối nước truyền thống luôn quyến rũ và làm “phải lòng” khách du lịch quốc tế trong gần 40 năm qua, ông đã cùng đồng nghiệp lặn lội tìm về phường rối Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình) và Nam Chấn (Nam Trực, Nam Định).

Sau bao ngày trải nghiệm, học hỏi, ông đã chọn lọc các tiết mục và ghép lại thành 16 trò đặc sắc, hiện nay vẫn được các đoàn múa rối biểu diễn. Và, các show diễn múa rối nước trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch du khách quốc tế luôn lựa chọn để thưởng thức, trải nghiệm khi đến Việt Nam cũng như luôn được lựa chọn công du khắp thế giới bởi sự độc đáo có một không hai.

Mừng vì những trò rối nước cổ vẫn có thể “sống” tốt giữa thời sân khấu phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác suốt mấy mươi năm (từ 1984 đến nay) song đến những năm 2000, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao lại tiếp tục trăn trở cùng bài toán:

Khai thác vốn cổ đến cạn kiệt chỉ chăm chắm lợi nhuận mà quên việc đầu tư, đổi mới. Trăn trở này càng thúc giục ông mãnh liệt hơn trước câu hỏi: “Một câu chuyện khác được kể từ rối nước cổ truyền Việt Nam, chúng tôi mong muốn điều đó?” từ ông Jean-Luc Larguier, Giám đốc Tổ chức Interarts Riviera SA.

Bao đêm, ông đã mất ngủ vì nghĩ cách đưa trò diễn rối nước sao cho khớp, khéo để kể “Truyện cổ Andersen” được kết nối từ “Nàng tiên cá”, “Chim họa mi”, “Vịt con xấu xí”, “Chú lính chì dũng cảm”… Cuối cùng, vở diễn có cách kể chuyện đột phá mang tính tiên phong này cũng được ra mắt trong sự ngạc nhiên, ấn tượng của biết bao người, nhất là với bạn nghề.

Không ngạc nhiên và ấn tượng sao được khi trước mắt mọi người không phải là tiên nữ, chú tễu, rồng phun lửa… mà là chú lính chì và cô vũ nữ, nàng tiên cá và hoàng tử… kể chuyện, diễn trò. Thành công này đã khẳng định nghệ thuật rối nước cổ truyền của Việt Nam có thể kể chuyện phương Tây một cách tinh tế, nhuần nhị và không kém phần hấp dẫn.

Vì vậy, khi dự Liên hoan Múa rối quốc tế tại Hà Nội II – 2010 (phiên bản biên tập của NSND, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng), “Truyện cổ Andersen” đã ẵm Huy chương Vàng cả vở diễn, đạo diễn và cá nhân. Đến 2013, vở được đưa sang Pháp biểu diễn tại Nhà hát Claude Lévi-Strauss và thực sự chinh phục khán giả nơi đây.

Sang năm 2014, vở lại được trình diễn tại các nước châu Âu, trong vài tháng theo đơn đặt hàng của Tổ chức Interarts Riviera SA. Để chuẩn bị cho đứa con tinh thần mới sang trời Âu, “cha đẻ” Hoàng Quỳnh Giao đã có cả tháng trời xoay trần trong ngày hè tháng 6 đổ lửa để tạo hình vịt con, cô vũ nữ, chú lính chì, nàng tiên cá…

Vì muốn bộ rối tây phải khoác áo sơn ta chính hiệu từ Phú Thọ để vừa có màu sắc mang chiều sâu vừa bền song người làm có thể bị “sơn ăn” lở loét da, dị ứng, ông đã trực tiếp nhúng chúng vào thùng sơn ta cùng sự tự tin “sơn ăn tùy mặt”, trong đó có ông, họa sĩ tạo hình hơn 4 nghìn con rối trong hơn 50 năm qua.

Nhưng vì đã ngoài tuổi 70, sức đề kháng giảm nên lần này ông bị dị ứng, mụn lở gần nửa tháng. Rồi khi “Truyện cổ Andersen” biểu diễn tưng bừng bên Pháp thì ông nhập viện vì nhồi máu cơ tim. “Trận ốm khiến tôi tưởng là không còn được gặp bạn bè, người thân.

Điều kỳ diệu đã đến với tôi. Tôi khỏe hơn còn vì mỗi ngày được nghe tin về “Truyện cổ Andersen” bên Pháp. Mừng lắm…”, họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao xúc động nói trong lần tôi đến thăm và nghe ông kể chuyện nghề, chuyện đời.

Sau “Truyện cổ Andersen”, họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao còn được ông Jean-Luc Larguier mời tham gia vở rối nước “Pinocchio” với công việc của họa sĩ tạo hình. Cũng ngay trong những ngày hồi phục sức khỏe, ông đã suy nghĩ về việc phác thảo Pinocchio như thế nào. Nhưng tiếc là sau đó ông Jean-Luc Larguier mắc bạo bệnh và qua đời nên vở rối nước “Pinocchio” không thể ra đời…

Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao là con trai họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương Ngô Mạnh Quỳnh. Trong nghề, ông từng giành giải đặc biệt quốc gia về tạo hình mang tên Skupa của Tiệp Khắc (1973), giải thưởng danh dự Mông Cổ (1983), giải đạo diễn xuất sắc, giải họa sĩ tạo hình con rối xuất sắc (2010)…; trong công tác quản lý, ông từng là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam (1984 - 2002).

Thành công và thành danh là vậy nhưng cho đến cuối đời ông không nhận danh hiệu nào vì với ông đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ với vốn văn hóa của cha ông.

Ở tuổi 80, họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao về với miền mây trắng khi những ngày cuối năm 2022 đang dần khép lại. Ông ra đi cùng nụ cười hiền hậu và thanh thản khi đã lựa chọn đúng để được dành cả cuộc đời cần mẫn “gieo hạt” mới cho nghệ thuật múa rối cổ truyền.

Sự đam mê ấy chỉ có thể được bắt nguồn từ tài năng và tấm lòng tâm huyết với múa rối, đúng như chia sẻ của ông Jean-Luc Larguier trong lần tôi được gặp gỡ và phỏng vấn ông về việc hợp tác cùng họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao cho dự án vở rối nước “Pinocchio”: “Ông Giao luôn đau đáu làm thế nào để múa rối nước phát triển hơn nữa chứ không bằng lòng với những thành công mà trước đó đã gầy dựng được.

Sau thành công là người đặt viên gạch đầu tiên đưa múa rối nước Việt Nam ra thế giới, ông ấy tiếp tục trăn trở để là người tiên phong “mặc” cho loại hình nghệ thuật độc đáo này những tấm áo mới bằng cả tấm lòng say mê, không màng đến vật chất và quên cả tuổi tác. Chúng tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao”.

“Phù thủy” và “thiên sứ”

NSND Trần Tiến. Ảnh: ITN.

NSND Trần Tiến. Ảnh: ITN.

Cùng trong tháng đầu tiên của năm 2023, NSND Trần Tiến và đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang rời cõi tạm khi đã hoàn thành sứ mệnh “thiên sứ” và “phù thủy” đối với sân khấu nước nhà.

Đó là một “thiên sứ” Trần Tiến (như cách gọi của NSƯT Lê Chức), như thể sinh ra là dành cho sân khấu kịch (gắn bó với Đoàn kịch Trung ương, nay là Nhà hát kịch Việt Nam) cùng hàng trăm vai diễn lịch lãm, sang trọng, trí tuệ gắn với thời vàng son của sân khấu nước nhà.

Lúc nhỏ được xem ông diễn tiên cờ Đế Thích trong vở kịch “Hồn Trương Ba - Da Hàng Thịt” (tác giả Lưu Quang Vũ) qua tivi đen trắng, chúng tôi rất yêu thích ông tiên ấy sao mà dí dỏm của sự vừa thoát tục vừa rất đời thường.

Với vai ông Đại Cát trong vở kịch “Quẫn” (tác giả Lộng Chương), chúng tôi không chỉ được bật cười trước hành động giấu diếm của cải được tích cóp bao đời mà còn có phần cảm thông với những nỗi niềm của nhân vật này qua sự hóa thân đậm chất bi - hài của nghệ sĩ Trần Tiến.

Nhất là, vai Nghêu - thầy bói mù ở vở kịch dân gian “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” - ông khiến khán giả phải cười ngả nghiêng bởi cái duyên hài hước, sâu cay đầy tự nhiên, diễn mà như không…

Bởi thế, mặc dù xa ánh đèn sân khấu đã lâu nhưng khi nhắc nhớ về NSND Trần Tiến biết bao người vẫn luôn bày tỏ niềm thán phục về bậc thầy diễn xuất này. NSƯT Lê Chức cho rằng, vai diễn của NSND Trần Tiến thật “đa dạng” với nhiều thứ bậc xã hội, ngành nghề, tuổi tác, kiến thức, vừa chính diện, vừa phản diện lại có cả “trẻ em”, kịch trong nước và kịch nói nước ngoài… Trong đó, các nhân vật hài với ông đều ở mức độ cao của thẩm mỹ.

Tác giả Lê Quý Hiền nhắc nhớ kỷ niệm những chuyến công tác cùng NSND Trần Tiến và ông thường có các câu nói chơi chữ hài hước, dí dỏm như “nhớ nhà” thành “nhá nhờ”, “nội bài” thành “bại nồi”, từ đó nhận định: “Trần Tiến là vậy, ông không có tuổi, thanh xuân mãi với vai diễn và những câu đối thoại trong đời thường”.

Họa sĩ Ba Tỉnh tâm đắc với bức tranh chân dung NSND Trần Tiến ông vẽ lúc sinh thời và cho rằng, Trần Tiến là một trong những solist trứ danh nhất thời sân khấu còn là “thánh đường” với những vai diễn để đời… “NSND Trần Tiến thành danh với những vai diễn từ bi cho đến hài kịch, ở lĩnh vực nào cũng gây ấn tượng mạnh với lối diễn lôi cuốn và đầy tính thuyết phục.

Vai Nguyễn Trãi trong vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” đầy bi tráng với những cung bậc thăng trầm giằng xé của bậc cao nhân hiền triết, ông lột tả nét thâm trầm của một nhà Nho tiết nghĩa với nỗi oan khiên tày trời…”, họa sĩ Ba Tỉnh đánh giá.

Cùng với việc hoàn thành xuất sắc “thiên sứ” sinh ra để trở thành nghệ sĩ, NSND Trần Tiến còn là cha của 3 nữ nghệ sĩ tài danh: Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi.

Cùng với chị Lê Vân sớm nổi danh ở lĩnh vực điện ảnh, em Lê Vi nổi danh ở lĩnh vực nghệ thuật múa, NSND Lê Khanh đắm mình với sân khấu kịch nói và tỏa sáng lấp lánh. Khi lý giải về thành công của mình, chị từng chia sẻ, đó là bởi chị được thừa hưởng từ sự tài hoa của cha mình - NSND Trần Tiến.

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Ảnh: ITN.

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Ảnh: ITN.

Còn với đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, ông chính là “phù thủy” của sân khấu nước nhà trong nhiều thập kỷ qua. Cũng bởi, hàng trăm tác phẩm sân khấu, từ kịch nói cho đến cải lương, chèo… qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang đều có sức cuốn hút đặc biệt của sự nhanh, mạnh, bạo liệt, dữ dội, sống động…

Chúng được thể hiện ở nhịp độ, tiết tấu, cách khai thác và khắc họa tính cách nhân vật cũng như bố cục sân khấu thường không thể thiếu những đạo cụ bục bệ choáng ngợp không gian và khá cồng kềnh.

Từ tự học để thành tài nên cả cuộc đời hiến dâng cho sân khấu của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang luôn là những cách tân, đổi mới, sáng tạo không ngừng. Một “Nàng Si ta” của Doãn Hoàng Giang được cách tân từ thủ pháp kể chuyện đến thiết kế mỹ thuật trên sân khấu chèo đã khiến khán giả thập niên 1990 si mê, xếp hàng mua vé.

Từ đó, ông đã mở lối cho sân khấu chèo đổi mới mạnh mẽ hướng đến thị hiếu khán giả đương thời. Với kịch nói, ít ai sánh kịp nguồn sáng tạo dồi dào của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang khi ông “phủ sóng” khắp các đơn vị nghệ thuật và luôn để lại dấu ấn, ghi danh chứ không hề bị đi vào lối mòn hay một màu.

Có thể kể đến “Hà Mi của tôi”, “Nhân danh công lý”, “Đêm trắng”, “Bỉ vỏ”, “Số đỏ”, “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”… Bởi luôn hướng đến cái mới và tính thời sự nên nhiều khi vở diễn của ông bị cuốn theo sự việc mà phần nào thiếu sự lắng sâu, sân khấu chật hẹp bởi bục bệ mà có phần thiếu sự tinh tế.

Nhưng đó chỉ là điểm khuyết nhỏ khi bạn nghề và khán giả cầu toàn hơn về Doãn Hoàng Giang chứ còn để có thể trở thành “phù thủy” của sân khấu và được bao người kính trọng, nể phục như ông thì rất hiếm.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai - người được coi là thế hệ tiếp nối và đã gặt hái được không ít thành công ở sân khấu cải lương trong những năm qua luôn bày tỏ niềm cảm phục về sức lao động sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang.

“Thầy Giang luôn là tấm gương sáng để chúng tôi nỗ lực noi theo. Tôi biết ơn vì có những thành công hôm nay là may mắn được thầy chỉ bảo nhiều điều cũng như được thầy truyền lửa đam mê để luôn cố gắng theo nghiệp Tổ dù phía trước luôn là những khó khăn”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.

NSND Minh Hòa thì gọi đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang là người đạo diễn tài ba, người thầy, người anh lớn của Nhà hát Kịch Hà Nội vì ông đã dàn dựng nhiều vở kịch kinh điển, sống mãi với thời gian ở ngôi nhà nghệ thuật này từ đó các nghệ sĩ nhà hát nói chung và NSND Minh Hòa có cơ hội được làm việc và học hỏi ở ông.

Có mấy mươi năm làm việc cùng đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thu Hà vẫn luôn nhớ những chặng đường kỷ niệm của riêng mình: “Từ Quân khu 2 tới Nhà hát Kịch Hà Nội, từ “Đêm trắng” đến “Bỉ vỏ”, từ vai thiếu nữ đến vai thiếu phụ, từ bà hoàng đến người ở, từ ngoan hiền đến tàn độc… Được làm việc cùng anh (đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang) - từ vai đầu tiên đến điểm phấn đấu cuối cùng trong sự nghiệp, ngoảnh lại đã mấy mươi năm…”

Ở phương Nam, NSND Hồng Vân tưởng nhớ về đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang là: “Một bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống, một nhân cách lớn ẩn giấu trong hình hài bé nhỏ, một người đàn ông với vẻ ngoài xù xì, thô ráp nhưng lại cực kỳ hiền lành, dễ thương.

May mắn cho sân khấu kịch Phú Nhuận có được “Số đỏ”, “Bỉ vỏ” qua bàn tay đạo diễn của anh để tạo dựng được thương hiệu về dòng kịch văn học thời 30-31. Mãi nhớ về anh, đạo diễn của nhân dân Doãn Hoàng Giang!”

Miền mây trắng đã đón bước chân trở về của ba bậc thầy sân khấu tài hoa: Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao; NSND Trần Tiến và đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang.

Được thừa hưởng “gia tài” giàu có được gầy dựng bởi tình yêu, lòng đam mê và mồ hôi, nước mắt của những bậc thầy này, thế hệ hôm nay càng trân trọng, biết ơn và nâng niu, giữ gìn, phát huy…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.