Theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ trên báo chí, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong.
Hiện nay không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.
Cũng giống như các loại vắc xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác. Vắc xin Covid-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi rút gây bệnh Covid-19 mà không cần nhiễm bệnh.
Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm vi rút gây bệnh Covid-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin rồi sau đó bị bệnh do vắc-xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh.
Tuy nhiên nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% - 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% - 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Sau khi tiêm chủng vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19.
Tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khoẻ.
Việt Nam đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc xin Covid-19
Về vấn đề nhiều người lo ngại về những phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, chuyên gia về tiêm chủng-TS.BS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc cho biết trên báo chí, bất cứ vắc xin nào, không nói riêng vắc xin phòng Covid-19 đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi.
Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, nhưng phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn.
Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh Covid-19.
Hiện tại Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc xin Covid-19. Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó", quy trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.
Trong khi nhiều nước họ tổ chức tiêm dạo, tiêm tại cộng đồng (xách phích đi tiêm đến từng nhà), tiêm tại các điểm lưu động (người dân đi xe qua, dừng tiêm rồi đi tiếp), tiêm ngay trong nhà thuốc hoặc siêu thị thì tại Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.
Cơ sở tiêm chủng vắc xin nphòng Covid-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị (có đủ phương tiện phòng chống sốc), có đội ngũ được đào tạo bài bản để tiêm chủng an toàn.
Bản thân các cơ sở này cũng thường xuyên được giám sát cũng như người thực hiện tiêm chủng thường xuyên được tập huấn liên tục cập nhật về vắc xin mới, quy trình tiêm an toàn. Đây chính là điểm mạnh của hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam và đã được thế giới ghi nhận.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong số rất ít nước có được hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia quản lý đến từng người được tiêm. Dữ liệu từ hệ thống giúp đảm bảo cho công tác an toàn tiêm chủng ngày càng tốt hơn để phục vụ người dân.
Ngày 14/6, Bộ Y tế có 2 công văn hỏa tốc gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 viện vệ sinh dịch tễ đầu ngành, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.