Tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc xin Nano Covax giai đoạn 3 cho 12.000 người

GD&TĐ - Sáng 27/7, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3 bắt đầu triển khai tiêm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên.

Ảnh: BYT.
Ảnh: BYT.

Thông tin từ Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, đợt tiêm thử nghiệm này được thực hiện sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a).

Theo PGS-TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, cho biết, trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên phải khai báo y tế, khám sinh hiệu đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra cho nữ tình nguyện viên trong độ tuổi sinh sản xem có đang mang thai hay không, sau đó khám trước tiêm. 12.000 tình nguyện viên được tiêm theo tỉ lệ 2:1 (tức "2 người tiêm vắc xin, 1 người tiêm giả dược") với nhóm liều duy nhất 25mcg. 

Trước đó, 13.000 tình nguyện viên (đợt 3a và 3b) đã hoàn thành mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên vắc xin Nano Covax vào ngày 14/7, sau đó 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a) hoàn tất mũi tiêm thứ 2 vào ngày 22/7. 

Các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến. Dự kiến ngày 15/8, các đơn vị sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3. 

Giai đoạn 3 được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước: Phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương. Phía Nam do Viện Pasteur TP.HCM làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại địa phương.

Vắc xin phòng Covid-19 Nano Covax được Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. 

Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021. 

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. 

Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt, tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại phiên họp Quốc hội chiều 25/7, vào quý I/2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ