Tiêm phòng Covid cho học sinh: Chờ vắc-xin và hướng dẫn cụ thể

GD&TĐ - TPHCM và nhiều địa phương khu vực phía Nam đang khẩn trương lên kế hoạch tiêm vắc-xin cho học sinh. Trẻ em nhóm tuổi này khá nhạy cảm, nên công tác chuẩn bị tiêm chủng được các trường chuẩn bị cẩn trọng.

Học sinh TPHCM. Ảnh minh họa
Học sinh TPHCM. Ảnh minh họa

Xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin an toàn

Theo tờ trình của Sở Y tế TP HCM về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, tất cả trẻ em sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố, học sinh từ lớp 6 - 12 sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19. Thời gian dự kiến tiêm từ ngày 22/10, cho khoảng 780.000 trẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 (TPHCM) cho biết: Ngày 18/10, nhà trường có văn bản thông báo đến phụ huynh về kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho học sinh toàn trường.

“Sáng 18/10, trường nhận được công văn chỉ đạo về việc chuẩn bị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho học sinh. Ban giám hiệu trường liền họp để soạn thảo kế hoạch tiêm ngừa cho học sinh. Theo đó, Trưởng ban là Hiệu trưởng phụ trách chung, Phó ban là một thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng 3 Phó hiệu trưởng, ủy viên là 49 giáo viên chủ nhiệm và nhân viên y tế, bô phận phòng chống dịch…”, thầy Phú cho hay.

Theo thầy Phú, trường xếp lịch tiêm ngừa cho khối 12 trước, xong tới khối 11, khối 10. Nhà trường gửi nội dung cam kết cho phụ huynh tham khảo, biết loại vắc-xin tiêm cho con mình trước khi ký và đưa con đến trường, nếu phụ huynh đồng ý.

Học sinh đến trường tiêm được đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang. Sẽ có bộ phận đưa học sinh lên phòng ngồi chờ dưới sự giám sát giáo viên chủ nhiệm. Từng nhóm 5 học sinh được gọi xuống phòng khám sàng lọc trước khi tiêm và thu giấy cam kết. Tiêm xong học sinh được bố trí một phòng ngồi chờ 30 phút trước khi ra về. Sau mỗi buổi tiêm sẽ phun khử khuẩn để bảo đảm an toàn…

Trao đổi về việc tiêm vắc-xin cho học sinh, anh Lê Hồng Nhựt, ngụ Quận 7, (TPHCM) có con đang học Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 (TPHCM) chia sẻ vừa nhận phiếu đăng ký tiêm vắc-xin cho con do giáo viên chủ nhiệm gửi link. “Tôi rất muốn tiêm vắc-xin sớm để con được tới trường an toàn. Tuy nhiên gia đình chưa biết vắc-xin con sẽ tiêm là loại nào nên cũng hơi băn khoăn”, anh Nhựt giãi bày.

Nên tiêm tại trường hay địa phương nơi học sinh cư trú cũng là vấn đề đặt ra cho phụ huynh và nhà trường. Chị Hà Thị Kim Phượng, phụ huynh học sinh Trường THPT Gia Định (TPHCM) cho rằng: Học sinh TPHCM đôi khi ở quận này nhưng lại học ở quận khác. Do đó, để bảo đảm tất cả học sinh đều được tiêm cùng lúc và quay lại trường cùng ngày nên tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh ở trường các em đang học. Để thầy cô giáo kiểm tra, rà soát danh sách bảo đảm không có em nào bị sót khi tiêm.

Trong khi đó, chị Bích Vân, ngụ Quận 8 (TPHCM) có con học tại trường THPT trên địa bàn Quận 10 cho rằng, nên tiêm tại địa phương cư trú, do đặc thù của học sinh ở nhiều quận khác nhau. Nếu tiêm tại trường, học sinh phải di chuyển xa, không bảo đảm về an toàn khi di chuyển.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho giáo viên tại TP Cần Thơ. Ảnh: Q. Ngữ.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho giáo viên tại TP Cần Thơ. Ảnh: Q. Ngữ.

Chờ vắc-xin

Ghi nhận tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, công tác chuẩn bị tiêm vắc-xin cho học sinh được thực hiện khẩn trương. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin dành cho học sinh vẫn chưa có. Trong khi vắc-xin dành cho tuổi từ 18 trở lên đang khan hiếm, tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 ở một số địa phương còn thấp.

Tại TP Cần Thơ, UBND thành phố vừa ban hành công văn hỏa tốc đăng ký nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 từ tháng 10 - 12/2021 và xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin năm 2022. Chủ tịch UBND thành phố giao chủ tịch UBND quận, huyện rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo nhóm tuổi (3 - 11; 12 - 15 và 16 - 17); Xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) trao đổi: Có khoảng 90.298 học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi cần được tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin chưa có; việc tiêm ngừa Covid-19 cho học sinh vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ ngành Y tế. “Ngành Giáo dục chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ em trong độ tuổi đi học theo quy định. Chúng tôi đề xuất tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh theo đơn vị trường để dễ quản lý”, ông Nhân kiến nghị.

Ngành Giáo dục Vĩnh Long đang phối hợp với ngành Y tế trong việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh. Theo bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, dự kiến có khoảng 96.000 trẻ trong độ tuổi này. Tỉnh tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, toàn tỉnh có trên 300.000 trẻ trong nhóm tuổi 12 - 17. Theo kế hoạch sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh THPT trước, với khoảng 57.000 học sinh. Tỉnh Đồng Tháp cũng lên kế hoạch tiêm vắc-xin trước cho học sinh lớp 9 và lớp 12.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có trên 147.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi, tỉnh  ưu tiên cho học sinh lứa tuổi 15 (lớp 9) và 17 (lớp 12) với tổng số trên 37.000 em. Tỉnh đã làm kế hoạch, đang chờ hướng dẫn liều lượng, quy trình cụ thể. Sở GD&ĐT Long An cũng đã thống kê số liệu các độ tuổi tiêm vắc-xin chuyển cho Sở Y tế để lên kế hoạch tiêm vắc-xin, với 125.160 học sinh có độ tuổi từ 12 tới 17 tuổi.

Chia sẻ về việc tiêm vắc-xin cho học sinh, thầy Nguyễn Hữu Nhân, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho rằng: Dịch bệnh diễn biến khó lường, việc học không thể trì hoãn lâu dài, nên cần sớm tiêm vắc-xin cho học sinh. Có thể tổ chức tiêm tại các trường như chương trình tiêm chủng trước đây. Khi thầy, trò đã tiêm vắc-xin, việc học mới có thể ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.

Quy trình khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm cho trẻ có điểm khác người lớn. Các em không thể tự khai báo tiền sử tình trạng sức khỏe. Do đó, khi khám sàng lọc, phụ huynh cần nắm rõ tiểu sử của trẻ.
Với nhóm trẻ thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền như: Đái tháo đường type 1, 2; béo phì; hen suyễn hoặc bệnh phổi mạn tính; bệnh di truyền, thần kinh hoặc chuyển hóa; bệnh hồng cầu hình liềm; tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch, khi mắc Covid-19 cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh nặng hơn. Do đó, những nhóm trẻ này cần được ưu tiên tiêm trước và thực hiện tiêm chủng tại bệnh viện…
Đồng thời phụ huynh cần biết con họ sẽ được tiêm loại vắc-xin nào trước khi ký vào giấy đăng ký tiêm chủng. Cần lưu ý rằng, dù đã được tiêm ngừa vắc-xin, trẻ vẫn phải mang khẩu trang trong phòng học cũng như những không gian kín khác… - TS. BS Trần Đức Sĩ (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.